1. Hướng dẫn mới về dự toán gói thầu xây dựng
Theo Nghị định 32/2015/NĐ-CP, dự toán gói thầu xây dựng gồm dự toán gói thầu thi công xây dựng; dự toán gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị lắp đặt vào công trình; dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng và dự toán gói thầu hỗn hợp.
Trong đó, Dự toán gói thầu hỗn hợp bao gồm:
- Dự toán gói thầu thiết kế và thi công xây dựng (gọi tắt là EC).
- Dự toán gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng (gọi tắt là PC).
- Dự toán gói thầu thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng (gọi tắt là EPC).
- Dự toán gói thầu lập dự án - thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng (chìa khóa trao tay).
Nội dung cụ thể và chi phí của từng dự toán gói thầu được quy định chi tiết trong Nghị định.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/05/2015 và thay thế Nghị định 112/2009/NĐ-CP.
2. Quy định chi phí trong lựa chọn nhà đầu tư
Căn cứ quy mô, tính chất của dự án, bên mời thầu quyết định mức giá bán một bộ hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (bao gồm cả thuế).
Đối với đấu thầu trong nước, mức giá bán hồ sơ mời thầu không quá 20 triệu đồng/bộ; hồ sơ mời sơ tuyển không quá 5 triệu đồng/bộ; đối với đấu thầu quốc tế, mức tương ứng là 30 triệu và 10 triệu đồng.
Chi phí cụ thể đối với hồ sơ mời sơ tuyển, mời thầu như sau:
- Đối với hồ sơ mời sơ tuyển:
+ Chi phí lập hồ sơ được tính bằng 0,02% tổng mức đầu tư nhưng tối thiểu là 10 triệu đồng và tối đa là 100 triệu đồng;
+ Chi phí thẩm định bằng 0,01% tổng mức đầu tư nhưng tối thiểu là 10 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng;
+ Chi phí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển bằng 0,02% tổng mức đầu tư nhưng tối thiểu là 10 triệu đồng, tối đa là 100 triệu đồng;
+ Chi phí thẩm định kết quả sơ tuyển bằng 0,01% tổng mức đầu tư nhưng tối thiểu là 10 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng.
- Đối với hồ sơ mời thầu:
+ Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,05% tổng mức đầu tư nhưng mức tối thiểu là 10 triệu đồng và tối đa là 200 triệu đồng;
+ Chi phí thẩm định đối với từng nội dung về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư được tính bằng 0,02% tổng mức đầu tư nhưng mức tối thiểu là 5 triệu đồng và tối đa là 100 triệu đồng;
+ Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tính bằng 0,03% tổng mức đầu tư nhưng mức tối thiểu là 10 triệu đồng và tối đa là 200 triệu đồng.
Nội dung trên được quy định cụ thể tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Chi phí trong lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP nhóm C và các chi phí khác cũng được quy định cụ thể trong Nghị định này.
Nghị định 30 có hiệu lực từ ngày 05/05/2015.
3. Hướng dẫn xử lý nước thải phi tập trung
Theo Thông tư 04/2015/TT-BXD hướng dẫn một số điều của Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải thì giải pháp xử lý nước thải phi tập trung bao gồm:
- Xử lý tại chỗ: thường được áp dụng với hộ thoát nước riêng lẻ có lượng nước thải < 50m3/ngày.đêm.
- Xử lý theo cụm: thường được áp dụng với các hộ thoát nước gần nhau có lượng nước thải từ 50 -200m3/ngày.đêm.
- Xử lý theo khu vực: thường được áp dụng trong một địa giới hành chính nhất định với lượng nước thải từ 200 - 1000m3/ngày.đêm.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào nguồn thải phát sinh, nguồn tiếp nhận, điều kiện kinh tế, địa hình…quyết định lựa chọn giải pháp xử lý nước thải phi tập trung cho phù hợp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/05/2015 và thay thế Thông tư 09/2009/TT-BXD.
4. Hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng 2015
Từ ngày 15/05/2015, đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng sẽ được xác định theo Thông tư 01/2015/TT-BXD.
Theo đó, đơn giá nhân công được xác định theo công thức sau:
GNC= LNCx HCBx 1/t
Trong đó:
- GNC: Đơn giá nhân công tính cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng.
- LNC: Mức lương đầu vào (kể cả lương phụ; phụ cấp lưu động, khu vực, không ổn định sản xuất và đã tính đến các yếu tố thị trường) để xác định đơn giá nhân công cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng.
- HCB: Hệ số lương theo cấp bậc của nhân công trực tiếp sản xuất xây dựng.
- t: 26 ngày làm việc trong tháng.
Thu Thủy