Chuyên gia "chấm điểm" Báo cáo KT-XH của Chính phủ

21/05/2015 10:05 AM

Theo ý kiến của một số chuyên gia, báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã phản ánh đúng tình hình, xác đáng, có nhiều yếu tố tích cực, mở ra triển vọng về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015 có thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Những kết quả ấn tượng

Báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sáng nay đã nêu được những kết quả rất đáng mừng về kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước những tháng đầu năm 2015.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,04%, thấp nhất trong nhiều năm qua; tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,97%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ; mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8,2%; thu ngân sách Nhà nước tăng 9,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 5%, đạt 4,2 tỷ USD; vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân tăng 11,4%; GDP quý I tăng 6,03%, cao nhất trong 5 năm qua. Đã có 4 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ và đưa vào khai thác; giải quyết việc làm cho trên 500.000 lao động, tăng 2,7% so với cùng kỳ; công tác đối ngoại được triển khai toàn diện, đồng bộ cả song phương và đa phương đạt nhiều kết quả thiết thực... đó là những thông tin rất ấn tượng và rất đáng phấn khởi.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế, đáng chú ý là: Sản xuất nông nghiệp khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; một số mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,2%; việc triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch tái cơ cấu ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa đạt yêu cầu. Việc sắp xếp cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động ở một số doanh nghiệp Nhà nước và công ty nông lâm nghiệp chưa đạt yêu cầu; bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những diễn biến phức tạp ở biển Đông...

Báo cáo cũng nêu được nguyên nhân chủ quan và khách quan của những thắng lợi và tồn tại hạn chế. Các giải pháp Chính phủ đề ra theo tôi là đúng đắn, có tính khả thi cao. Hy vọng kỳ họp cuối năm, Quốc hội và cử tri cả nước sẽ được nghe những kết quả ấn tượng hơn nữa. 

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN: Nâng vị thế đất nước, tạo động lực cho doanh nghiệp

Theo tôi, báo cáo đánh giá tương đối toàn diện, nêu được những ưu, khuyết điểm, các giải pháp sửa chữa. Khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế, những chuyển biến vững chắc cho năm 2015 vào các nội dung cụ thể như: Kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại nền kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Những nội dung này cụ thể, rõ ràng tạo được niềm tin. Bước đầu tạo tiền đề cho kế hoạch dài hạn, kết hợp giải quyết được những bức xúc như chất lượng nguồn lực, cải cách hành chính, cơ cấu nền kinh tế...

Khí thế của những ngày lễ lớn, các hoạt động đối ngoại đã khiến vị thế của nước ta được nâng cao, tuyên truyền tư tưởng, tạo động lực, lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp.

Các biện pháp giải quyết đưa ra đúng và trúng được doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn dừng ở chỗ định hướng, tổng hợp chưa giải quyết cụ thể khiến việc triển khai chậm, chưa đi vào thực tiễn, kinh tế phát triển chưa có tính bền vững. Các vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, chất lượng số liệu vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Việc phối hợp các ngành địa phương chưa đồng bộ, có nơi thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh nhưng có địa phương thì kém, không đồng đều.

TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội

TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội: Cần tạo được bước chuyển mạnh mẽ về môi trường kinh doanh

Theo tôi, báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII đã phản ánh đúng tình hình, có nhiều yếu tố tích cực, mở ra triển vọng về các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2015 có thể thực hiện được.

Các giải pháp nêu ra, Chính phủ quan tâm triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP để tạo bước chuyển biến tích cực hơn về môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị cho hội nhập.

Về vấn đề trung và dài hạn, nên tập trung cho nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Theo tôi các giải pháp đề ra phù hợp nhưng cần làm rõ các biện pháp cụ thể hơn trong năm 2015.

Tuy nhiên, theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ lưu ý ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cần phải quan tâm để không trói buộc hơn so với Luật quy định hiện hành như vấn đề đăng ký kinh doanh, kinh doanh có điều kiện... để thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

LS Nguyễn Chiến, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư VN

LS Nguyễn Chiến, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư VN: Cải cách khung pháp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp

Những tháng đầu năm 2015, tình hình KTXH cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch của Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Trong những tháng còn lại của năm 2015, Chính phủ khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chính phủ sẽ tập trung vào 7 nội dung chủ yếu, trong đó có 3 nội dung nóng nhất và được sự quan tâm của đông đảo người dân đó là những nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ trương này của Chính phủ là tích cực nhằm giải quyết vấn đề niềm tin đối với người dân về việc cải cách khung pháp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điều quan trọng nhất là cải cách mạnh mẽ hành chính, đơn giản hóa bộ phận hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công và các bộ máy công quyền, giảm thiểu tối đa thời gian và công sức của dân.

Thứ ba, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Với định hướng này sẽ giúp nước ta ngày càng khẳng định vị thế và vị trí vững chắc trong khu vực và Quốc tế trên tất các cả lĩnh vực mà trọng tâm là  kinh tế cũng như quốc phòng.

PGS. TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội

PGS. TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội: Những con số thống kê đã có sức thuyết phục

Bản báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn chung đã đem lại cho toàn dân một sự an tâm và phấn khởi nhất định trước tình hình phát triển, ổn định mọi mặt của đất nước mặc dù còn có những khó khăn cả ở trong nước lẫn ngoài nước do những nguyên nhân chủ quan và khách quan gây nên.

Những con số thống kê đã có sức thuyết phục khi người dân đã cảm nhận được cụ thể những ảnh hưởng tích cực của tình hình kinh tế - xã hội đến đời sống hằng ngày của mình. Lòng tin của người dân được nâng cao thêm một bước khi bắt tay thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2015.

Tuy nhiên, những khó khăn trở ngại trong việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước, các ngành và các địa phương mặc dù nhiều chỗ cũng đã được Phó Thủ tướng thẳng thắn đưa ra, nhưng theo tôi vấn đề này cần được chỉ ra và phân tích sâu sắc, toàn diện hơn nữa, nhất là về phía chủ quan của cá nhân và tổ chức có trách nhiệm.

Trong vấn đề lực lượng lao động, Chính phủ cần đưa ra được một quy hoạch với những kế hoạch nhân sự cụ thể về số lượng, chất lượng cho từng ngành, từng lĩnh vực hoạt động chủ chốt, cho từng khu vực và từng địa phương theo những thời gian xác định.

Vấn đề tiếp tục đổi mới kinh tế, cho đến nay chúng ta đã làm được việc hoạch định các chủ trương chính sách, xây dựng quy hoạch tổng thể và đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội cho sự phát triển của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong tình hình quốc tế hóa nền kinh tế đang diễn ra rất khẩn trương và mạnh mẽ. Nhưng trước tình hình nước ta đã và sắp ký kết hàng loạt hiệp định song phương và đa phương, Chính phủ cần chú ý tới một số nét cơ bản nhất để bắt tay ngay vào việc hoàn thành giai đoạn đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng tiến bộ vào năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Cải cách phải quyết liệt từ đơn vị thực hiện

Qua Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015, có thể thấy các chỉ số, tiêu chí về kinh tế, xã hội của chúng ta trong năm 2014 đã đạt được hơn 90%. Đây có thể coi là một tiến bộ hết sức đáng kể và cần ghi nhận vai trò lãnh đạo từ cấp chính quyền địa phương đến Trung ương.

Trong năm 2015, Chính phủ cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó cần xem xét việc ổn định giá xăng, điện. Việc tăng, giảm giá cần có lộ trình hợp lý để ổn định kinh tế, giúp doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, công tác dự báo của Chính phủ cần tương đối chính xác để doanh nghiệp có chiến lược đầu tư dài hạn, phát triển kinh doanh hợp lý.

Về vốn, cần tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay các khoản vay trung hạn và ngắn hạn. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như phí, lệ phí, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Việc thực hiện cải cách phải quyết liệt từ ngay các đơn vị thực hiện và có các giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và hoàn tất ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ cần đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn để cộng đồng doanh nghiệp có thêm thông tin nhằm phát triển sản xuất kinh doanh tại sân nhà và cạnh tranh tại thị trường nước ngoài.

Nhóm PV

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,359

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]