Bỏ photo giấy ly hôn, chứng tử... để tăng người mua bảo hiểm y tế

23/05/2015 08:14 AM

Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã yêu cầu các địa phương ngừng ngay việc yêu cầu photo những giấy tờ không cần thiết.

Vì sao số lượng người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sụt giảm thời gian qua? Cơ quan BHXH và Bộ Y tế cần đưa ra những giải pháp gì để thu hút người dân tham gia BHYT, để BHYT thực sự là một trong những chính sách an sinh của Nhà nước trong công tác khám, chữa bệnh?

Để tìm hiểu vấn đề này, chương trình “Câu chuyện thời sự” mời ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.

PV: Việc giảm 1,2 triệu người tham gia BHYT thời gian qua được cho từ những nguyên nhân nào, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Đúng là có sự giảm đối tượng tham gia BHYT. Nếu lấy số liệu quý 1/2015 (tháng 3/2015) so với thời điểm tháng 12/2014 thì số lượng người tham gia BHYT giảm 1,2 triệu người. Nhưng nếu so sánh với quý 1/2014 thì số lượng người tham gia BHYT lại tăng 2,7 triệu, tương đương với 4% người tham gia BHYT.  Đây là thông tin khá tích cực. Việc sụt giảm số người tham gia BHYT nếu so sánh với cả 2014 thì đó là một logic rất bình thường và có thể có một số nguyên nhân cơ bản.

Trước hết, thông thường quý 1 hàng năm số người lao động ở các DN có sự suy giảm, nhất là theo kỳ nghỉ Tết. Vì vậy số người tham gia BHYT ở nhóm 1 (những người lao động ở các DN) suy giảm khoảng 4,9%.

Thứ hai, một số tỉnh đang có chương trình xóa đói giảm nghèo. Một số huyện, địa phương trước đây thuộc vùng kinh tế khó khăn, nay đã thoát khỏi tình trạng nghèo, nên số người tham gia BHYT được ngân sách trước kia đóng hoặc hỗ trợ mua BHYT cũng giảm đi. Số liệu tính toán cho thấy đối tượng này giảm 2% ở quý 1/2015 và do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng giảm 1,5%.

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân nữa là tính tuân thủ pháp luật của một số DN chưa cao. Số liệu thống kê cho thấy 49% DN vẫn còn biểu hiện trốn đóng BHXH, BHYT. Hiện nay vẫn còn 30% người thuộc hộ cận nghèo chưa tham gia BHYT, ngay cả nhóm đối tượng học sinh, sinh viên – là nhóm tiềm năng rất lớn, nhưng vẫn còn khoảng 20% học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên đại học bắt đầu từ năm thứ 2, việc tham gia BHYT còn rất thấp.

PV: Ngoài những nguyên nhân ông vừa nêu, chúng tôi được biết, có những người muốn tham gia BHYT tự nguyện nhưng địa phương lại  yêu cầu nhiều thủ tục, giấy tờ (như giấy ly hôn, chứng tử…). Vậy tại sao cơ quan bán BHYT lại đưa ra những yêu cầu khắt khe như vậy ạ?

Ông Phạm Lương Sơn: Đó là một thực trạng và hiện nay chúng tôi đang quyết liệt giải quyết. Quy định của Luật các văn bản hướng dẫn hoặc các hướng dẫn của BHXH Việt Nam không yêu cầu người tham gia BHYT theo hộ gia đình khi đến phải photo hộ khẩu, giấy tạm trú, tạm vắng, thẻ BHYT của những người trong gia đình nhưng đã tham gia ở những nơi khác. Tuy nhiên, có một số cơ quan BHXH cấp huyện, đặc biệt là một số đại lý BHYT do quan ngại việc quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn tới sai sót nên yêu cầu chủ hộ khi kê khai phải kèm theo một số giấy tờ như nhà báo nhắc, cá biệt có trường hợp yêu cầu photo cả giấy ly hôn, giấy chứng tử… để chứng tỏ những người này không còn là thành viên gia đình nữa. Thời gian qua, chúng tôi đã quyết liệt làm và đến nay tình trạng đó đã chấm dứt cơ bản. Chúng tôi yêu cầu các địa phương ngừng ngay việc yêu cầu photo những giấy tờ không cần thiết. Bởi lẽ, tại bản khai đó, chủ hộ đã phải cam kết lời khai là đúng sự thật và có xác nhận của Chủ tịch UBND cấp xã, phường và có khảo sát, kiểm tra của Tổ trưởng dân phố cũng như trưởng thôn.

PV: Hiện nay, tại các thành phố lớn đang có hàng triệu người lao động tự do đến làm việc. Tuy nhiên, theo qui định, khi mua hay đi khám bệnh bằng thẻ BHYT họ sẽ phải trở về nơi khám chữa bệnh ban đầu, thường là nơi cư trú. Đây có phải là điều bất cập của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ đầu năm 2015, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có những qui định rất cởi mở, thuận tiện cho người tham gia BHYT. Một trong 2 điểm đó là người dân có thể tham gia BHYT tại bất kỳ đại lý thu BHYT nào trên cả nước. Điều đó có nghĩa là dù đăng ký ở nơi tạm trú hay đăng ký ở nơi thường trú của mình đều có thể tìm để mua BHYT của các đại lý một cách thuận lợi nhất. Vấn đề ở đây là phải có trao đổi để tránh công khai, trùng lắp.

Liên quan đến việc khám, chữa bệnh thì không nhất thiết những người lao động mua thẻ BHYT ở tỉnh khác phải trở lại nơi cư trú để đăng ký KCB ban đầu. Người bệnh theo nguyện vọng của mình có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở nơi thường trú và lao động thường xuyên. Vấn đề ở đây là cần có cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn  nơi đăng ký KCB ban đầu để thuận lợi cho chính mình.

PV: Để tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT, cơ quan BHXH cần phải giảm bớt các thủ tục phiền hà. Ông có suy nghĩ như vậy không?

Ông Phạm Lương Sơn: Vâng. Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cơ quan tổ chức thực hiện đang có những bước chuyển rất mạnh, giải pháp quyết liệt theo hướng chúng ta phải tin người dân. Cùng với đó là xác định trách nhiệm của người dân rất cao, trách nhiệm của chủ hộ khi kê khai, trách nhiệm của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố khi kiểm tra, xác minh. Đặc biệt là trách nhiệm của các cấp chính quyền ở xã, phường khi xác nhận tờ khai đó. Chỉ căn cứ vào đó chúng ta hoàn toàn có thể để người dân tham gia BHYT một cách thuận lợi.

Còn công việc kiểm soát, kiểm tra, đối chiếu là hậu kiểm. Khi phát hiện những biểu hiện có thể khai không đúng để trục lợi thì chúng ta đã có chế tài xử phạt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Báo điện tử VOV

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,500

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]