Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình dự án Luật, Ảnh: Nam Nguyễn
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Tờ trình dự án Luật tạm giữ, tạm giam khẳng định: việc xây dựng và ban hành Luật tạm giữ, tạm giam trong tình hình hiện nay là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Đồng thời, Luật cũng nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Dự thảo Luật gồm 11 chương, 87 điều với các quy định về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; quản lý tạm giữ và chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam; chế độ tạm giữ, tạm giam với người chưa thành niên, với người bị kết án tử hình…
Dự thảo Luật khẳng định nguyên tắc trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đó là: “Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; không tra tấn, bạo lực, truy bức, dùng nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam”.
Một trong những hành vi bị nghiêm cấm đối với người có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam được quy định là “Tra tấn, dùng nhục hình và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam” (Điều 8).
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền được bảo đảm tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần; được gặp thân nhân, người khác theo quy định của Luật; được bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, người khác bào chữa (Điều 9).
Luật cũng quy định về quyền được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc của người khác (chương IX)
Luật tạm giữ, tạm giam được đánh giá là một luật lớn, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Việc xây dựng, ban hành Luật sẽ có tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội về mặt chính trị, đối ngoại, pháp luật cũng như công tác quản lý nhà nước về tạm giữ, tạm giam; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Ảnh: Nam Nguyễn
Tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp khẳng định: việc ban hành Luật tạm giữ, tạm giam là cần thiết, bảo đảm các quy định về tạm giữ, tạm giam phù hợp với Hiến pháp 2013, theo đó quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật. Luật sẽ khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở các nhà tạm giữ, trại tạm giam thời gian qua, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Một số nội dung của dự án Luật cần tiếp tục xin ý kiến của Quốc hội như tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; quyền và nghĩa vụ của người bị tam giữ, người bị tạm giam; hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam; kiểm soát chế độ tạm giữ, tạm giam…
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật tạm giữ, tạm giam lần đầu tại hội trường ngày 21/6 tới.
Bảo Yến