Muôn mặt "thỏa thuận ngầm" giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế

12/06/2015 10:17 AM

Theo một khảo sát, có tới 30% số hộ kinh doanh bắt tay với cán bộ thuế khai thấp doanh thu để được hưởng mức thuế môn bài thấp hơn…

Bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã kể lại những câu chuyện mà chính bà chứng kiến tại hội thảo “Giảm tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại Việt Nam - giải pháp từ cải cách lĩnh vực thuế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/6.

"Người vừa mua hàng là cán bộ thuế đấy"

“Tôi đi chợ, thấy người bên cạnh mua được đậu đen rất ngon với giá 20.000 đồng/kg. Thấy vậy tôi cũng mua, nhưng người bán tính giá 50.000 đồng/kg. Tôi thắc mắc thì người bán trả lời: Người vừa mua là cán bộ quản lý thuế chợ của chúng tôi đấy!”, bà An kể.

Tương tự, khi bà vào một nhà hàng, muốn lấy hóa đơn, chủ quán nói không có. Khi bà nói sẽ báo cơ quan thuế, chủ nhà hàng lập tức chỉ vào dãy bàn ăn và nói thẳng, “cán bộ thuế đang ngồi ở đây rồi”.

Ông Đặng Hoàng Giang, Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES), chia sẻ kết quả khảo sát 500 hộ kinh doanh của CECODES, cho thấy đang xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu và thỏa thuận ngầm trong khu vực hộ kinh doanh. Và có tới 50% người được hỏi chấp nhận nếu được đề nghị bắt tay với cán bộ thuế vì mức phí bỏ ra là không “đắt”.

Thuế môn bài có mức thu từ 50.000 - 1 triệu đồng/năm. Tuy mức thu này không lớn nhưng vẫn có tới 30% hộ kinh doanh bắt tay với cán bộ thuế kê khai doanh thu thấp đi để được hưởng mức thuế thấp hơn, trong khi 6% hối lộ cán bộ thuế để trả mức thuế thấp hơn.

Còn đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, có tới 14% hộ cho biết sẵn sàng hối lộ với cán bộ thuế để hưởng mức thuế thấp hơn. Đại đa số cho rằng đây là hiện tượng phổ biến.

Tham nhũng trong lĩnh vực này còn liên quan đến việc cấp phép. Chẳng hạn, để được cấp giấy phép và chứng chỉ hành nghề như mở hiệu thuốc thì có tới 23% hộ kinh doanh được hỏi cho biết họ phải qua trung gian và quan hệ cá nhân. Gần 20% hộ phải trả chi phí không chính thức có mức phổ biến từ 500.000 - 1 triệu đồng/ giấy phép.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng vụ Thuế Thu nhập cá nhân (Tổng cục thuế) cho biết, số thuế thu được hàng năm trong khu vực hộ kinh doanh chỉ khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Thất thu thuế được xác định là do mức thuế khoán của các hộ kinh doanh này chưa sát với doanh thu thực.

Chưa theo kịp đà cải cách

Theo Luật Quản lý thuế, các hộ kinh doanh hàng năm phải khai doanh thu, trên cơ sở đó cơ quan thuế tổng hợp dự kiến mức doanh thu khoán, mức thuế khoán và niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn, ban quản lý chợ, trụ sở đội thuế... để lấy ý kiến người dân nói chung và các hộ kinh doanh nói riêng.

Qua tổng hợp ý kiến phản ánh về doanh thu, mức thuế khoán, cơ quan thuế (chi cục thuế) họp tham vấn ý kiến của hội đồng tư vấn thuế phường, xã, ban quản lý chợ... từ đó lập và duyệt sổ bộ thuế để làm căn cứ thu thuế.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, từng chia sẻ rằng “quy định này sẽ tránh được áp đặt chủ quan của cán bộ thuế thế này thế khác. Bởi rõ ràng người dân sẽ không chấp nhận ông hàng xóm có doanh thu gấp 3 lần tôi mà nộp thuế như tôi”.

Tuy nhiên, thực tế dường như phức tạp hơn nhiều. Bà Đặng Thị Bình An cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến tham nhũng thuế trong lĩnh vực hộ kinh doanh.

Một là thuế được xác định trên doanh thu hàng năm và do một hội đồng tư vấn thuế lập ra, với đại diện 1-2 hộ kinh doanh trong khu vực. Nhưng 1-2 hộ không đủ để mang tính đại diện nên mức thuế xác định nhiều khi không chuẩn. Để xác định thuế sát hơn, cần chia hộ kinh doanh đại diện theo ngành hàng, theo khu vực nhỏ hơn.

Hai là do việc đóng thuế chủ yếu theo phương thức khoán trên doanh thu nên xảy ra tình trạng gian dối hóa đơn. Tháng thừa hóa đơn thì viết cao, tháng thiếu hóa đơn thì “khất nợ” khách.

Cuối cùng, do các hộ kinh doanh có quy mô khác nhau, doanh thu khác nhau nhưng áp dụng cùng một mức thuế nên xảy ra tiêu cực. Ví dụ, hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng áp thuế bằng hộ buôn bán nhỏ là bất hợp lý, không công bằng.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là công tác thu thuế còn lạc hậu, chưa theo kịp tiến trình cải cách, hiện đại hóa của ngành thuế. Người dân vẫn phải nộp thuế ở ngân hàng, kho bạc, chưa được hỗ trợ khai thuế, nộp thuế điện tử như đối với doanh nghiệp...

Thừa nhận có tình trạng tiền thuế của nhà nước được chung chia giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh, đại diện Tổng cục thuế cho rằng ngành thuế đang chỉnh sửa quy trình về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện về việc thành lập và hoạt động của hội đồng tư vấn thuế xã, phường.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2016, Bộ Tài chính sẽ tiến hành áp dụng triển khai kê khai và nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà (cùng với việc thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy và cá nhân chuyển nhượng bất động sản). Hai địa phương sẽ được tiến hành thí điểm là Hà Nội và TP.HCM, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác trên cả nước.

Thành Đạt

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,823

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]