Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn – một trong những nội dung được chờ đợi nhất trong mỗi kỳ họp Quốc hội, Infonet đã ghi nhận lại tâm tư của các ĐBQH kỳ vọng và chờ đợi ở mỗi vị trưởng ngành.
Chất vấn là truy trách nhiệm người đứng đầu
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên nhi đồng của Quốc hội: Chất vấn là truy trách nhiệm người đứng đầu
Bản chất của chất vấn chính là quy trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước. Nếu như trong chất vấn, quá trình nhận thức nhận thấy, nhận ra nhận biết vấn đề nào đó bức xúc của đời sống xã hội thì cái quan trọng nhất là hậu chất vấn, đó là phải hành động và chuyển động. Nếu không hành động và chuyển động thì chất vấn sẽ trở nên rất thiếu ý nghĩa.
ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị)
Trong thời gian vừa qua, chúng ta biết QH chất vấn rất mạnh mẽ đối với các ngành giao thông, ngân hàng, tài chính, sau chất vấn các ngành đó có những chuyển động rất mạnh. Đến nay cả ĐBQH và cử tri cả nước đã thừa nhận tác dụng rất to lớn của chất vấn.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Không nên chất vấn theo Bộ trưởng
Với cơ chế tổ chức Chính phủ của ta rất khó để một Bộ trưởng trả lời đến nơi đến chốn vấn đề. Việc chất vấn các Bộ trưởng nên để giữa 2 kỳ họp, có vấn đề gì nóng thì trả lời ngay, giải quyết ngay. Còn ở kỳ họp này thì Quốc hội nên chất ván các Phó Thủ tướng. Tôi lấy ví như một bữa cơm của người dân, đâu phải mỗi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cung cấp mà còn liên quan tới Bộ Công Thương, Bộ Y Tế.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
Giả sử chất vấn tình trạng quá tải bệnh viện thì Bộ Y Tế lại nói do thiếu tiền đầu tư, rồi cuối cùng thành ra hòa cả làng. Chất vấn như thế khó giải quyết được vấn đề mà chỉ mang tính chất cung cấp thông tin và lời hứa đó biết chắc khó thực hiện. Do vậy việc chất vấn không nên chất vấn theo Bộ trưởng mà nên theo hiện tượng xã hội, nếu rơi vào Bộ nào thì Bộ đó trả lời và có thêm sự tham gia của Phó Thủ tướng, hoặc Thủ thướng.
Tại sao các Bộ trưởng cứ trả lời loanh quanh? Vì không loanh quanh không được, sự thực là họ không toàn quyền thì họ không giải quyết được vấn đề.
ĐB Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh): Truy trách nhiệm các vị trưởng ngành giáo dục và nông nghiệp trước những vấn đề nổi cộm
Hai vấn đề tôi quan tâm và sẽ bấm nút chất vấn các vị trưởng ngành đó là giáo dục và nông nghiệp. Với giáo dục, vừa qua chúng ta đã có một loạt cải cách, đổi mới trong giáo dục, nhưng những đổi mới này có đem lại kết quả thực chất hay mới chỉ là “bề nổi”?. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được rất nhiều lời “kêu ca” của cử tri liên quan tới đổi mới giáo dục. Cử tri cho rằng, những đổi mới mà ngành giáo dục cho là sẽ “cảnh cách toàn diện” vẫn tồn tại những bất ổn và gây bức xúc không ít trong xã hội, ví như sự thay đổi các kỳ thi tốt nghiệp, hình thức giảng dạy… Những vấn đề này gây ảnh hưởng lâu dài tới xã hội, vì thế người đứng đầu ngành giáo dục cần có câu trả lời, giải trình rõ ràng và thuyết phục được cử tri.
ĐBQH Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh)
Còn với ngành nông nghiệp vẫn là những vấn đề tồn tại nhiều năm qua. Trước cơ hội hội nhập, ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước thách thức lớn, đặc biệt là sản xuất gì, sản xuất như thế nào và tiêu thụ ở đâu. Trách nhiệm của ngành nông nghiệp như thế nào trong phát triển “chuỗi” sản xuất của ngành cũng phải làm rõ.
Tôi cho rằng việc lựa chọn 3 vị trưởng ngành là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ trả lời chất vấn cử tri là xác đáng. Dù vậy, tôi cũng không kỳ vọng quá nhiều vào phần trả lời chất vấn của các vị trưởng ngành, nhất là với vấn đề đầu ra cho nông sản hiện nay. Thực chất, sự kết nối giữa các bộ, ngành trong vấn đề đầu ra cho nông sản còn quá lỏng lẻo, thậm chí là rời rạc. Như tôi đã từng đề cập, đọc bản báo cáo trả lời ĐBQH về đầu ra cho nông sản của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vẫn chủ yếu thấy sự loay hoay của cơ quan quản lý trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Nếu vẫn cứ cách làm như vậy thì tiêu thụ nông sản vẫn sẽ phụ thuộc vào “lòng trắc ẩn” của người dân trong nước và tới đây là “lòng trắc ẩn” của đối tác nước ngoài.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh): Giải pháp các Bộ trưởng đưa ra giải pháp mang tính cú huých
Việc chọn 4 Bộ trưởng chất vấn là lựa chọn trúng, chính xác các vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm. Tôi cho rằng, các ĐBQH sẽ nêu ra nhiều câu hỏi xác đáng, thiết thực. Nhưng tôi chỉ e ngại một điều không biết các Bộ trưởng có đáp ứng được các câu hỏi chất vấn, đặc biệt là đưa ra giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể có thời gian, địa chỉ. Vì, có nhiều vấn đề “nóng” của ngành nông nghiệp lâu nay như nông sản vẫn ế ẩm, được mùa rớt giá… đã được đưa ra chất vấn nhiều năm song thực tế chưa có chuyển biến.
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh)
Vì thế, trách nhiệm của các Bộ trưởng phải thay đổi. Các Bộ trưởng phải hấp thụ tâm tư, tình cảm của cử tri gửi gắm qua câu hỏi chất vấn và đưa ra giải pháp mạnh mẽ, có tính cú huých để giải pháp đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu địa phương vì họ chính là những người nắm rõ được đặc điểm, dân cư, thế mạnh của địa phương mình.
Trường Giang