Sửa Hiến pháp, cần phát huy dân chủ

20/10/2011 13:55 PM

Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các cơ quan hữu quan cần thật sự phát huy dân chủ, huy động tối đa sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân vào việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.


Đó là một trong những nội dung của báo cáo tổng hợp hơn 1.000 ý kiến, kiến nghị cử tri gửi Quốc hội, do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tập hợp. Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay, báo cáo này được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày.

Xác định rõ quyền, nghĩa vụ công dân

Báo cáo cho biết, cử tri và nhân dân phấn khởi trước việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, mong muốn việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiến pháp cần quy định rõ cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; tiếp tục khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền công dân, quyền con người; xác định rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp cần quy định những vấn đề cơ bản nhất, có tính ổn định lâu dài, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. 

Việc lập và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian vừa qua không được sự đồng tình của nhân dân Ảnh: TNLinh

Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; khẩn trương ban hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo, triển khai nghiêm túc nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, để nhân dân có cơ sở để giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng. 

Bức xúc tình trạng lạm thu tiền trường

Tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm của nhiều trường phổ thông, nhất là ở khu vực đô thị đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường học đặt ra nhiều quy định gây khó khăn cho các gia đình học sinh. Chính phủ cần chỉ đạo ngành giáo dục, đào tạo quan tâm đến chất lượng đào tạo, tránh hiện tượng chạy theo theo số lượng như hiện nay; chấn chỉnh việc cho phép thành lập quá nhiều trường đại học như thời gian qua.

Lo lắng vì điện, xăng tăng giá

Nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, báo cáo còn cho biết việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân; việc lập và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian vừa qua không được sự đồng tình của nhân dân. Nhân dân cũng lo lắng trước dự kiến tăng giá của ngành điện.

Trước tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành, gây bức xúc trong dư luận về tính minh bạch và hiệu quả kinh tế của các đơn vị này, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty sớm chấm dứt tình trạng này; đồng thời chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Đổi mới trong hoạt động chất vấn

Ngày 19/10 tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo giới thiệu chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, diễn ra từ ngày 20/10 đến 26/11.

Giới thiệu chương trình, nội dung kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, đây là kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, nhưng là lần đầu tiên, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII thể hiện dấu ấn của mình trong công tác xây dựng pháp luật; xem xét các vấn đề kinh tế -xã hội (KT-XH), giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước... Về công tác lập pháp, QH sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu với 13 dự án luật khác và thông qua 5 dự án luật (Luật cơ yếu, Luật lưu trữ, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật đo lường). Dự án Luật Biển sẽ được đưa ra xem xét lần đầu tại kỳ họp này.

Về việc xem xét các vấn đề KT-XH, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội tập trung xem xét: Báo cáo về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; quyết định kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012; quyết định dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Báo cáo về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020… Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về những vấn đề này.

Phiên chất vấn về tình hình KT-XH tại hội trường diễn ra trong 2,5 ngày. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong quá trình kỳ họp diễn ra, các đại biểu sẽ gửi các câu hỏi chất vấn. Trên cơ sở đó, đoàn thư ký kỳ họp sẽ đưa ra các chủ đề của phiên chất vấn; trên cơ sở đó mới xác định được thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, các Bộ trưởng cũng không trình bày bản giải trình, mà trả lời trực tiếp vào câu hỏi của ĐB…

* Trả lời câu hỏi của báo giới về việc thẩm tra tư cách đại biểu đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến (Long An), vấn đề bà Yến vận động tranh cử bằng tiền, ông Phúc cho biết: doanh nghiệp do bà Yến điều hành thường xuyên có hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, có đợt từ thiện quá gần với đợt bầu cử (29.4) đã gây ra nhiều nghi vấn trong công luận về động cơ tổ chức từ thiện. “Hiện tại, các vấn đề khác như: thực hư cuộc ly hôn của bà Yến và chồng là Việt kiều, chuyện bà Yến từng bị khởi tố, bị cấm xuất cảnh hoặc tham gia vào đường dây chuyển tiền ra nước ngoài... vẫn đang trong quá trình điều tra”, ông Phúc nói.

Tuyết Trịnh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,531

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]