Cũng theo ông Trịnh, Nguyễn Hữu Trường là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em trai, học hết lớp 9 thì Trường bỏ học. Từ nhỏ Trường đã bị teo rút cơ chân còn hiện tại đang mắc bệnh tâm thần.
|
Vợ và con trai nạn nhân Chuyển bần thần kể lại câu chuyện.
|
Bà Đặng Thị Nụ (48 tuổi, mẹ của Nguyễn Hữu Trường) cho biết: “Nó là đứa yếu nhất nhà, thường xuyên bị bệnh tật, bình thường nó chỉ nặng có 39kg. Ngoài ra nó còn có biểu hiện bệnh tâm thần nên gia đình đã đưa cháu đi khám nhiều nơi như Bệnh viện 103, Bệnh viện Bạch Mai và cả Bệnh viện Tâm thần ở huyện Thường Tín và được các bác sĩ cho biết nó bị trầm cảm mức độ nặng. Bây giờ nó vẫn đang phải điều trị, tháng nào cũng phải uống thuốc. Có điều, lúc phát bệnh thì nó chỉ bị co rút người rồi ngất lịm đi thôi chứ không đánh ai cả...”.
Theo ông Trịnh và bà Nụ, khi ông Chuyển nằm tại Bệnh viện 103, bà Nụ đã đến xin lỗi và đưa 3 triệu đồng để hỗ trợ điều trị cho ông Chuyển. Sau đó, trong tang lễ của ông Chuyển, gia đình bà Nụ đã phúng viếng 5 triệu đồng, ngoài ra cũng đã bồi thường trước 20 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Tâm sự với PLVN, ông Trịnh với gương mặt hốc hác không khỏi lo lắng cho người con trai lỡ lầm bên trong trại giam có thể sẽ không được uống thuốc đúng giờ. Nhưng lúc này, tấm lòng của người cha, giọt nước mắt của người mẹ đã không còn có thể cứu nổi người con trai tội lỗi trong trại giam. Họ chỉ còn biết chờ đợi sự phán quyết của pháp luật.
Con trai nạn nhân ân hận vì một phút ham chơi khiến cha mất mạngRời nhà hung thủ, chỉ mất mấy bước chân để phóng viên đi sang căn nhà kế bên - nhà của nạn nhân Nguyễn Duy Chuyển.
Tiếp phóng viên, anh Nguyễn Duy Trường (21 tuổi, con trai ông Chuyển) cho biết: “Chiều 9/10, tôi mải đi đá bóng ở gần nhà nên không kịp về ăn cơm với gia đình. Do sốt ruột, bố tôi đã ra sân bóng gọi tôi về. Tại đó, bố tôi có gọi tôi là “thằng Trường” và mắng tôi mấy câu về cái “tội” ham chơi quên hết gia đình. Thời điểm ấy, đối tượng Nguyễn Hữu Trường cũng có mặt ở đó. Tự dưng nó sừng sộ hỏi bố tôi: “Ông chửi ai đấy?” rồi cầm nửa viên gạch ném mạnh trúng đầu bố tôi. Sau khi trúng viên gạch, bố tôi chảy nhiều máu ở đầu, bị choáng váng một lúc rồi gượng dậy đi về nhà. Thấy bố tôi có biểu hiện chấn thương sọ não, gia đình tôi đã đưa ông đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Chúc Sơn, sau đó chuyển thẳng lên Bệnh viện 103 nhưng bố tôi cũng không qua khỏi”.
Cũng theo anh Trường, trên đường vào viện, trước lúc bị hôn mê, câu cuối cùng mà ông Chuyển nói với anh là: “Chỉ vì gọi mày đi đá bóng về ăn cơm mà bố bị nó phang nửa hòn gạch vào đầu, cay quá!”. Nhắc lại chuyện này, anh Trường bật khóc ân hận, cay đắng ước rằng giá mình đừng có ham chơi như vậy thì bố đâu có mệnh hệ gì.
Giả ngơ để hại người?Về việc đối tượng Nguyễn Hữu Trường tưởng nhầm ông Chuyển mắng mình nên gây án (do đối tượng này trùng tên anh Nguyễn Duy Trường), anh Nguyễn Duy Trường bày tỏ nghi vấn và cho rằng đây chỉ là cái cớ để Nguyễn Hữu Trường hành hung ông Chuyển vì những mâu thuẫn trước đó.
Anh Nguyễn Duy Trường cho hay, gần đây Nguyễn Hữu Trường có leo lên mái nhà anh để sửa đường điện ở cột điện. Do Nguyễn Hữu Trường không xin phép nên ông Chuyển đã ra mắng thanh niên này và đôi bên xảy ra cãi vã. Hậu quả, ông Chuyển bị Nguyễn Hữu Trường đấm vào mặt, thậm chí còn dùng tua-vít đâm vào chân.
Bà Nguyễn Thị Bảy (42 tuổi, vợ ông Chuyển) cũng nói trong nước mắt: “Vài năm nay, gia đình tôi và gia đình Nguyễn Hữu Trường đã có nhiều mâu thuẫn. Người nhà bên đó từng ném gạch, đá và xông cả xe vào sân nhà tôi đòi đánh người”.
Được biết, gia đình ông Chuyển là gia đình chính sách thuộc xã Đông Phương Yên, bố ông Chuyển là liệt sĩ, hy sinh tại chiến trường miền Nam. Ông Chuyển và bà Bảy sinh được hai người con trai, trong đó một người vừa đi nghĩa vụ quân sự ở Khánh Hòa được một tháng, nay nghe tin cha mất nên vội vàng đi máy bay về. Ông Chuyển mất khiến bà mẹ 70 tuổi đau đớn vì cảnh người đầu bạc tiễn kẻ tóc còn xanh,gánh gia đình dồn cả lên vai bà Bảy.
Thu Hoài