Năm 2019 mới khởi công sân bay Long Thành

07/07/2015 07:42 AM

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ phải làm báo cáo khả thi, sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét. Dự kiến, đến năm 2019 mới có thể khởi công và khai thác vào năm 2023.

Phối cảnh sân bay Long Thành - Ảnh: Bộ GTVT

Đây là kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra trong hội nghị sơ kết trực tuyến 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của bộ này diễn ra chiều nay 6-7.

Tại hội nghị sơ kết, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, ACV đang chuẩn bị để chọn đơn vị tư vấn để làm báo cáo khả thi. Hướng lựa chọn đơn vị tư vấn sẽ thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu quốc tế.

Dự kiến, phải mất 6-8 tháng mới chọn được đơn vị tư vấn và công tác tư vấn phải mất từ 15 đến 17 tháng mới hoàn thành. Sau đó, mới tiến hành các bước tiếp theo.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói thêm “ACV cần cần phải làm tích cực vì còn phải trình Quốc hội báo cáo khả thi. Kế hoạch dự kiến, năm 2019 sẽ khởi công để đến năm 2023 đưa vào vận hành”.

Cũng liên quan đến các dự án sân bay, tại hội nghị, ông Thăng yêu cầu ACV cập nhật tiến độ sửa chữa các dự án sân bay đang triển khai; trong đó, đáng chú ý nhất là dự án sửa chữa đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay tại Tân Sơn Nhất.

Cập nhật tiến độ dự án ông Lê Mạnh Hùng cho biết, giai đoạn 1 của dự án làm đường lăn đã xong và đưa vào khai thác từ 30-6. Hiện nay, ACV đang làm giai đoạn 2, việc thi công dự án không ảnh hưởng đến việc khai thác các chuyến bay của các hãng hàng không.

Một dự án khác là kéo dài đường băng sân bay Pleiku (Gia Lai) cũng đã hoàn thành phần đường băng và nhà ga.

“Hiện tại, ACV đang tiến hành hiệu chỉnh các thiết bị, dự kiến trong tháng 8 sẽ xong và tháng 9 sẽ đưa vào khai thác” ông Hùng nói.

Một vấn đề cũng gây bức xúc trong ngành hàng không là việc mất cắp hành lý của hành khách đi máy bay cũng được ông Thăng chất vấn tại hội nghị.

Trả lời các câu hỏi của Bộ trưởng Thăng, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, từ cuộc họp với Bộ trưởng hôm 18-6 đến nay không ghi nhận thêm các trường hợp khiếu nại nào và đã bắt được 2 vụ lấy cắp.

Bộ GTVT chỉ còn 6 doanh nghiệp nhà nước

Cũng theo báo cáo sơ kết 6 tháng của Bộ Giao thông Vận tải thì bộ này chỉ còn giữ lại 6 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ 100% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích sau năm 2015.

Các doanh nghiệp này là Đường sắt Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam và Nhà xuất bản Giao thông vận tải.

Như vậy, với Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1-7 vừa qua quy định DNNN là doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thì bộ này gần như đã hoàn thành xuất sắc quá trình cơ cấu DNNN thuộc bộ. Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ GTVT cho biết trong nửa cuối năm nay sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp thuộc diện nhà nước không nắm giữ 100% vốn trong năm 2015.

Trong đó, Bộ đặc biệt tập trung nỗ lực cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (HHVN), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Cửu Long CIPM, Bệnh viện GTVT Trung ương; 12 đơn vị sự nghiệp công lập, 4 Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm nay, bộ đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu đối với 9 tổng công ty và các công ty còn lại thuộc bộ theo đúng đề án đã được phê duyệt, nhất là đối với 5 tổng công ty. Đây đều là những tổng công ty có nhiều công ty con, cụ thể như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM).

Việc tái cơ cấu tập trung vào xử lý tài chính, cơ cấu lại nợ, thoái vốn tại các công ty con ngoài ngành, hoạt động không hiệu quả.

Trong nửa đầu năm nay, bộ đã hoàn thành thoái vốn tại 19 công ty cổ phần, thu về 1.487 tỉ đồng.

Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn nhà nước theo phương thức lựa chọn nhà đầu tư để bán đấu giá, thỏa thuận trực tiếp theo lô, bán cho người lao động; thoái vốn vượt tỷ lệ quy định tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg đối với 23 doanh nghiệp, tổng giá trị thoái vốn theo mệnh giá là 5.497 tỷ đồng

Lê Anh – Tư Hoàng

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,933

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]