Sau một thời gian rời khỏi địa bàn với lý do đi chữa bệnh, chồng của Nguyễn Thị Dung (giáo viên tiếng Anh, trường THPT Kim Thành, Hải Dương), người đứng tên vay số tiền lớn, đã "đau khổ" thông báo vợ mình bỏ trốn. Thế là hàng chục chủ nợ, người ít cho vay vài trăm triệu, người nhiều 5 - 7 tỷ đồng, hốt hoảng lao đến nhà Dung để khênh tài sản, vớt vát bớt chút thiệt hại. Đơn trình báo của các chủ nợ.
Với tâm lý gỡ được chút nào hay chút ấy, nhiều người phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận lấy tài tài sản để trừ nợ. Như cô Huyền phải lấy chiếc xe Spacy cũ với giá cấn nợ trên 200 triệu đồng, trong khi giá trị thực chỉ khoảng 70 triệu đồng. Sau khi phần lớn các chủ nợ siết nợ xong, cô giáo này trở về và tuyên bố mọi người đến cướp đồ nhà mình (!). Sự việc ầm ĩ cả huyện suốt từ tháng 5/2011 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vẫn còn không hàng chục con nợ là họ hàng, cán cán bộ, công chức và đồng nghiệp của cô Dung vì ngần ngại không tiết lộ khoản cho vay.
Tham thì thâm
Nhờ vào uy tín của chồng là Giám đốc Công ty Đại Vũ, hoạt động trong ngành vận tải, nên nhiều người đã tin tưởng, sẵn sàng cho cô giáo này vay hàng tỷ đồng với mức “lãi ngồi” lên tới 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (0,4%/ngày). Thậm chí, không tí người đã đi vay lãi ngân hàng để cho cô giáo này vay lại. Một lãnh đạo huyện Kim Thành ước tính, số tiền cô Dung huy động của các DN, cán bộ công chức trong huyện đến nay chưa thanh toán xong có thể không dưới 100 tỷ đồng.
Ngay khi xuất hiện tin Dung vỡ nợ rồi bỏ trốn, các chủ nợ ồ ạt kéo đến nhà. “Vợ chồng họ quá tinh vi. Khi số tiền vay nợ quá lớn, họ bèn giả cách đi chữa bệnh gần 1 tháng, điện thoại thì tắt. Sau đó người chồng thông báo vợ mình bỏ trốn. Chồng thừa nhận các khoản vay và hứa trả dần. Ai không chấp nhận thì lấy ô-tô, đất đai, đồ đạc trong nhà”, ông Đồng Xuân Thành, Phó chánh văn phòng Huyện ủy Kim Thành, một trong số ít các chủ nợ sẵn sàng ra làm chứng, bức xúc. Ông Thành còn gần 3 tỷ đồng vẫn chưa đòi được. Rất nhiều công chức trong huyện đã lấy tiền nhà, rồi vay thêm vay thêm người thân rồi cho Dung vay lại để kiếm lãi cao.
Những món đồ mà vợ chồng Dung gán nợ thực chất là cách bán đồ với giá cắt cổ, nhưng không lấy cũng không được. “Mấy chục chiếc xe, mỗi chiếc giá chỉ 300 – 400 triệu đồng nhưng Dung gán nợ đến gần 1 tỷ đồng. Nếu không lấy thì tiền mình bị mất trắng”, chủ hiệu vàng Xuân Ban (thị trấn Kim Thành), một trong những chủ nợ, cho biết.
Vụ việc chưa có gì lớn?
Để tạo dựng lòng tin, thời gian đầu, cô giáo Dung vay rất ít và trả lãi rất sòng phẳng, thậm chí chủ động tính tiền lãi, có khi trả trước thời hạn. “Dung có vay của tôi 700 triệu đồng. Thời điểm trước khi báo phá sản, hàng tháng trả nợ rất sòng phẳng. Nhiều tháng Dung còn mang tiền đến tận nhà, trả lãi trước ngày thỏa thuận hằng tháng”, ông Hòa, chủ DN vận tải Bình Minh (Kim Thành, Hải Dương), cho hay. Khi uy tín đã được tạo lập thì số tiền cho vay cũng nhiều lên.
“Cô Dung là hàng xóm của tôi. Cô vay 1,15 tỷ đồng và hứa sẽ trả vào 30/8/2011. Nhưng đến ngày đó chúng tôi đến đòi thì cô Dung bảo đang khó khăn, sẽ trả dần”, chủ nợ Đinh Quang Hạnh bức xúc. Rồi chú ruột của cô giáo Dung quê Khoái Châu (Hưng Yên) cũng dốc phần lớn gia sản được 7 tỷ đồng đem cho cô cháu vay. Giờ đây, không biết bao giờ mới có thu hồi được. “Trước đây, nó hứa này hứa kia và mình đâu nghĩ nó lại lừa cả chú ruột”, ông Thanh, chú Dung, nói. Thậm chí ngay người thầy của vợ chồng Dung cũng dồn tiền cho cô học trò cũ vay.
Sau hàng chục lần đến nhà không đòi được, ông Đinh Quang Hạnh đã làm đơn trình báo công an huyện Kim Thành. Ông Hạnh nói: “Rõ ràng đây là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đáng ra Công an huyện phải làm mạnh tay, đằng này khi nhận được đơn của tôi, họ gọi lên và bảo 2 bên dàn xếp, thỏa thuận với nhau. Nếu dàn xếp kiểu đó, đến cuối đời tôi và nhiều chủ nợ khác cũng không đòi được hết nợ”.
Cách đây không lâu, chúng tôi đến làm việc với công an huyện Kim Thành về vụ việc này. Tuy nhiên, ông Trưởng Công an huyện Bùi Văn Hưng, lại nhận định: “Vụ việc cũng chưa có gì lớn, chúng tôi mới nhận được một lá đơn trình báo và đang điều tra”(!?).
Sa Hà