Kinh tế phục hồi cao nhưng sức cạnh tranh còn thấp

21/10/2015 08:10 AM

Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc sáng 20-10. Trình bày báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và năm năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ năm năm 2016-2020 và năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết lạm phát trong những năm qua được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 18,13% năm 2011 xuống còn 2% năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua.

Nợ xấu giảm còn 2,9%

Theo người đứng đầu Chính phủ, tăng trưởng GDP được phục hồi và khá cao vào những năm cuối của giai đoạn 2011-2015. Tăng trưởng năm 2015 ước đạt 6,5%, cao nhất năm năm qua và vượt kế hoạch đề ra; GDP đạt khoảng 204 tỉ USD, bình quân 2.228 USD/người.

Về hệ thống ngân hàng, Thủ tướng cho biết tính đến tháng 9-2015 nợ xấu toàn hệ thống còn 2,9%, giảm so với mức 7,43% vào tháng 9-2012. Hệ thống ngân hàng đã giảm 17 tổ chức, thanh khoản toàn hệ thống được bảo đảm cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nhìn nhận nền kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn...

Để xử lý các hạn chế trên, Thủ tướng cho hay trong năm 2016 Chính phủ sẽ tập trung tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu-chi ngân sách nhà nước, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia…

thủ tướng nguyễn tấn dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo kinh tế-xã hội trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Lo khai thác dầu nhiều, bội chi, nợ công

Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết bên cạnh kết quả tích cực, một số ý kiến cho rằng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra. Mặc dù nguồn thu từ dầu thô góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Bên cạnh đó, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 dự kiến là 5% GDP, không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu chính phủ). Có ý kiến cho rằng chưa khắc phục được việc sử dụng một phần bội chi ngân sách cho chi thường xuyên và trả nợ. Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp (DNNN), ông Giàu cho biết năm năm qua cả nước đã thực hiện sắp xếp được 447 DN, trong đó cổ phần hóa 337 DN, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính chỉ đạt 8.390/21.797 tỉ đồng. “Một số DN đã cổ phần hóa nhưng tỉ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn rất lớn, chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị DN” - ông Giàu nêu.

“Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tiếp tục tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo đó, thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước. Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại nhanh ở những lĩnh vực cần thiết. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Phát triển bền vững kinh tế-xã hội khu vực biên giới và biển, đảo. Có chính sách phù hợp để thực hiện một số nhiệm vụ đặc thù về quốc phòng an ninh.

Chi tiền thoái vốn DNNN phải có địa chỉ

Liên quan đến việc Chính phủ đề xuất lấy 10.000 tỉ đồng từ việc bán cổ phần DNNN bù đắp cho chi tiêu ngân sách (Báo cáo của Chính phủ về tình hình ngân sách), đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng tiền bán bớt cổ phần của DNNN phải được đầu tư để làm những công trình thiết yếu, phúc lợi của người dân chứ không nên hòa vào ngân sách nhà nước. Ông lấy ví dụ: Chẳng hạn tiền thoái vốn từ Vinamilk, nếu chuyển để đầu tư BV Ung bướu thì nó mang lợi ích khác, coi như tài sản đó vẫn còn, còn nếu hòa vào ngân sách thì ông không ủng hộ. “Chi vào đâu, dự án nào là phải có địa chỉ và Quốc hội quyết theo địa chỉ đó. Cách đầu tư như vậy sẽ giảm đi được phần căng thẳng” - ông Lịch nói.

____________________________________

- Bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,9% (mục tiêu đề ra là 6,5%-7%).

- Tính đến năm 2015 nợ công khoảng 61,3% GDP (ngưỡng cho phép là 65% GDP), trong đó nợ chính phủ 48,9% (ngưỡng cho phép 50% GDP), trong ngưỡng an toàn cho phép.

 Kế hoạch kinh tế 2016-2020 đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân năm năm đạt 6,5%-7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 là 4,95%, đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP.

Trà Phương – Trọng Phú

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,570

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]