Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng đọc báo cáo giải trình, tiếp thu Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Trần Tuấn.
Với tên gọi mới, Nghị quyết về phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và các ĐB Quốc hội giám sát việc thực hiện.
Theo Nghị quyết, Việt Nam cam kết thực hiện toàn bộ các điều khoản trong Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO.
Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoàn tất thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn theo quy định của WTO và tổ chức thực hiện sau khi Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO có hiệu lực đối với nước ta.
Giải trình về việc đổi tên của Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết, theo văn kiện của WTO, tên Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới đầy đủ được dịch ra từ tiếng Anh là: “Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới”.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu vấn đề này và sửa tên gọi Nghị quyết của Quốc hội thành “Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO” và các nội dung liên quan đến tên gọi của Nghị định thư sửa đổi tại Nghị quyết cho phù hợp với tên gọi trong văn kiện của WTO.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ và hội trường, các ĐB tán thành cao với yêu cầu phê chuẩn Nghị định thư tại kỳ họp này.
ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho biết, theo Hiệp định thành lập WTO, Nghị định thư sửa đổi sẽ có hiệu lực khi được 2/3 số nước thành viên thông qua. Tính đến tháng 10-2015 đã có 49 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi, chiếm 45% số thành viên cần thiết.
Trong khi đó, nếu Việt Nam không tham gia thì khi Nghị định thư sửa đổi có hiệu lực, Việt Nam cũng phải thực hiện các cam kết. Nếu chúng ta tham gia ngay từ bây giờ sẽ không gây áp lực khi Nghị định thư có hiệu lực mà ta lại tranh thủ được các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực thực thi.
Ủng hộ việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích thêm, trước đây khi Việt Nam tham gia WTO vào năm 2007, đó là WTO 1+ vì những cơ hội và thách thức đồng thời mà WTO mang lại. Nhưng nay với yêu cầu của Nghị định thư sửa đổi thì đây như là WTO 2+ vì càng vào sau càng khó nhưng chúng ta vẫn cần mạnh dạn làm việc này.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, mỗi năm Quốc hội có hai kỳ họp, tức là nếu không phê chuẩn trong kỳ này thì phải chờ đến kỳ họp sang năm. Nếu lúc đó mới phê chuẩn thì cũng có thể được nhưng cũng có thể nhỡ vì lúc đó có thể số nước tham gia ký kết đủ, người ta phê chuẩn sớm hơn, lúc đấy ta có tham gia phê chuẩn hay không thì cũng không có giá trị. Khi đó, chúng ta ở thế bị động buộc phải thực hiện những điều mà 2/3 nước đã thông qua.
ĐB cũng cho biết thêm, trong tháng 12 tới, Hội nghị Bộ trưởng các nước trong WTO họp nên nội dung này cần thiết được thông qua trước Hội nghị.
Hồ Huệ
Theo Báo Hải quan