Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Mở đầu phiên họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên thông báo với các nhà báo về nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm đánh giá tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng năm 2015.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa bế mạc chiều 27/11, có nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm đặt ra để các thành viên Chính phủ, kể cả Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, trả lời về các vấn đề thuộc trách nhiệm được giao. Tại phiên họp Chính phủ sáng 27/11, Chính phủ cũng đặt ra các vấn đề này để liên hệ thực tế và xem lại trách nhiệm của từng lĩnh vực với nhiệm vụ được giao. Qua nghe báo cáo, thảo luận và đi đến thống nhất, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng qua hầu hết giống như báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội. Chỉ có số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là thấp hơn trong báo cáo trước Quốc hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối ngân sách tuy có khó khăn nhưng cũng vượt qua được, xuất khẩu và một số vấn đề khác tăng trưởng như báo cáo đã nêu. Đến giờ này, bức tranh chung về KT-XH là phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, đang trên đà phát triển.
Tuy nhiên, tình hình còn một số vấn đề Quốc hội đặt ra, lo ngại và Chính phủ đã bàn. Thủ tướng kết luận là trong thời gian còn lại của năm 2015, các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền phải tập trung nỗ lực quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu KT-XH đã đề ra. Nếu không có gì bất trắc thì những chỉ tiêu đề ra sẽ đạt, GDP tăng khoảng hơn 6,5%, tạo nền tảng để chuẩn bị cho năm 2016 với mục tiêu tăng trưởng 6,7%.
Muốn vậy, trước hết phải tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, trong đó tập trung chú ý về cân đối ngân sách, đặc biệt thu nợ đọng thuế 30 nghìn tỉ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành tài chính phải thực hiện.
Ngoài ra, đi đôi với đó là điều chỉnh lại các chỉ tiêu chi ngân sách phù hợp, triệt để tiết kiệm. Phải phân bổ vốn đầu tư trung hạn thật chặt chẽ và quan trọng nữa là phải tập trung cải cách thủ tục hành chính.
Thủ tướng chỉ đạo các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị triển khai nhiệm vụ năm 2016 một cách nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, trên tinh thần tiết kiệm, tổ chức các hội nghị theo hình thức trực tuyến, trừ những trường hợp không thể họp trực tuyến như bàn về các vấn đề cơ mật…
Cuối kỳ họp Chính phủ, Thủ tướng hoan nghênh và biểu dương đội ngũ làm báo thời gian qua đã đồng hành cùng Chính phủ, góp phần rất lớn chuyển tải thông tin tới người dân, tạo sự đồng thuận, trong đó có những vụ việc mà báo chí phát hiện, cảnh báo và kết hợp với cơ quan chức năng làm rõ. Thủ tướng cũng nhắc báo chí trong quá trình tác nghiệp, phải nhanh chóng, kịp thời, trung thực, khách quan, nhưng cũng cần chú ý phản ánh hai mặt của vấn đề để chuyển tải tới người dân một cách trung thực, khách quan. Ví dụ nợ công thì không ai muốn, nhưng trong bối cảnh không đủ tiền để thực hiện một trong 3 trọng tâm lớn là kết cấu hạ tầng thì phải đi vay, nếu không vay nợ thì không thể có những công trình để thực hiện các kế hoạch đưa đất nước phát triển. Tất nhiên phải làm thế nào cho hiệu quả, thực hiện các công trình cho đúng trọng tâm, tránh thất thoát lãng phí. Khi đề cập các vấn đề, cần phản ánh cả hai mặt để người dân chia sẻ, thấu hiểu, đồng thuận.
Tại diễn đàn Quốc hội vừa rồi, có nhiều câu hỏi chất vấn đặt ra cho các thành viên Chính phủ trả lời. Chúng tôi nghĩ rằng với thời gian trả lời như vậy thì dù có cố gắng đến đâu cũng không làm rõ hết được các vấn đề mà người dân và các đại biểu Quốc hội và cả đội ngũ những người làm báo đặt ra. Do đó, tại phiên họp báo này, chúng tôi tiếp tục ghi nhận một số ý kiến để gửi câu hỏi trả lời kèm theo thông cáo báo chí, mong các bạn nghiên cứu, chuyển tải thông tin cần thiết đến người dân để có thông tin đầy đủ hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
PV Văn Hùng (báo Nông nghiệp Việt Nam): Thưa Bộ trưởng, bạn đọc báo Nông nghiệp Việt Nam đang muốn biết kết quả xử lý tình trạng lạm thu tại huyện Can Lộc sau 3 lần Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có ý kiến chỉ đạo. Chúng tôi muốn biết ý kiến của Chính phủ về vấn đề này. Tôi được biết hôm qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Một lần nữa, tại diễn đàn này, cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn tinh thần và thái độ làm việc rất nghiêm túc của đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và tập thể VPCP. Tôi cũng gửi lời cảm ơn tới Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ngoài việc chỉ đạo sát sao vụ việc này đối với Hà Tĩnh thì Chính phủ đã sớm ban hành Chỉ thị 2003 ngày 5/11 về việc huy động đóng góp sức dân. Không chỉ vậy Chính phủ còn giao cho Bộ TT&TT chỉ đạo các báo đài tích cực tuyên truyền, nói rõ điều hành của Chính phủ là hoàn toàn không bắt ép người dân xây dựng một cách quá sức dân. Chúng tôi lấy làm vui mừng vì Chính phủ đã nhìn thấy rất rõ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở mà lộ trình làm nông thôn mới không thể chạy theo thành tích, không thể làm xong một sớm, một chiều. Từ những chỉ đạo của Chính phủ, tôi cho rằng Chính phủ chúng ta đã chuyển dần từ một Chính phủ hành chính sang một Chính phủ phục vụ thực sự. Cuối cùng, tôi tha thiết đề nghị VPCP tiếp tục theo dõi kết quả xử lý vụ việc này tại huyện Can Lộc để chấm dứt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tôi rất hoàn nghênh tinh thần, trách nhiệm, thái độ rất kiên quyết của phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, đã theo đuổi một vấn đề cho đến cùng mà từ đó chúng tôi phải tham mưu cho Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo đến lần thứ 3.
Vấn đề thứ hai, qua đây, chúng tôi cũng nhận thấy rằng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nghiêm túc báo cáo đầy đủ kịp thời, đảm bảo đúng quy định theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Chúng tôi được biết rằng tỉnh cũng nghiêm túc trong chỉ đạo đối với UBND huyện Can Lộc. Đến giờ này, theo báo cáo, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Can Lộc làm rõ vấn đề phát sinh nguồn thu để làm đường giao thông nông thôn và thủy lợi không đúng quy định. Có nghĩa là trước đó có vi phạm, được nhắc nhở, kiểm điểm, nhưng mà theo báo cáo trong chương trình, kế hoạch đã định thì UBND xã tiếp tục thu những nguồn không đúng quy định.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh gửi mà chúng tôi vừa nhận, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh rất có trách nhiệm, tiếp tục chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm minh những hành vi sai phạm, tùy theo mức độ tính chất, trả lại số tiền thu không đúng cho người dân, công khai cho người dân biết.
Chúng tôi đánh giá cao ý thức trách nhiệm, sự chấp hành của UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Can Lộc.
Tuy nhiên, vụ việc này cho chúng ta bài học trong quá trình lắng nghe ý kiến người dân, lắng nghe ý kiến của báo chí, chỉ đạo UBND cấp dưới và kiểm tra xử lý đến nơi, đến chốn. Đây là một bài học rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và của Chính phủ, đặc biệt trong vấn đề thực thi pháp luật. Theo báo cáo, chúng tôi nhận thấy các đồng chí UBND xã nghĩ rằng cứ cái gì có lợi cho dân thì làm, nhưng có lợi cho dân còn phải được người dân đồng tình ủng hộ, và quan trọng nhất là phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Theo đề nghị của phóng viên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi quá trình xử lý của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Và chúng tôi tin tưởng rằng lần này tỉnh sẽ rút được bài học kinh nghiệm và sẽ xử lý đến nơi, đến chốn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp: Tại một diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp (DN) vừa mới được tổ chức, có rất nhiều DN bức xúc về chính sách ưu đãi đầu tư với DN nước ngoài. Trong các giấy chứng nhận đầu tư, các địa phương thường cam kết không khớp với quy định về thuế. Sau đó, các cơ quan thuế không đồng ý với giấy chứng nhận đầu tư đó, và bắt các DN phải chịu thuế theo quy định hiện hành. Như thế, chúng ta đã không thực hiện đúng theo cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư. Vậy theo quan điểm của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT thì vấn đề này sẽ được xử lý ra sao?
Thứ hai, quy định mở rộng đầu tư được phản ánh chưa có hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy, có rất nhiều DN được gọi là mở rộng đầu tư, nhưng chiếu theo quy định khác thì chưa khớp nhau. Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và Bộ Công Thương chưa có tiếng nói, tiêu chí chung về vấn đề này. Rất nhiều DN mong muốn các bộ có quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Vừa qua, tại diễn đàn doanh nghiệp, DN có nêu về chính sách ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư đã được cấp phép. Có những trường hợp cơ quan thuế sau đó cho rằng việc cấp phép đó không đúng chính sách đã ban hành, vậy thì giải quyết vấn đề đó như thế nào.
Có thể nói, việc cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào pháp luật tại thời điểm cấp phép. Vì vậy, ưu đãi thuế cũng phải căn cứ vào các quy định ưu đãi thuế tại thời điểm cấp phép được quy định trong các luật thuế có liên quan.
Trong thực tế, có trường hợp là các địa phương cấp phép không đúng với chính sách thuế tại thời điểm cấp phép. Về nguyên tắc, trường hợp cấp phép không đúng thì rõ ràng là địa phương phải rà soát lại, điều chỉnh lại cấp phép theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc cấp phép của địa phương về các chính sách ưu đãi, nếu chính sách ưu đãi quy định chưa rõ và nhà đầu tư có ý kiến, lúc đó các cơ quan tham mưu có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát và Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết những trường hợp mà chính sách chưa thực sự rõ ràng.
Một điểm nữa là đối với giấy phép đã cấp phép cho nhà đầu tư với ưu đãi theo đúng chính sách pháp luật hiện hành tại thời điểm cấp phép nhưng trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư không đáp ứng được điều kiện ưu đãi. Ví dụ như ưu đãi với DN công nghệ cao, nhưng trong quá trình thực hiện lại không đáp ứng được điều kiện về DN công nghệ cao. Trong trường hợp không đáp ứng được điều kiện ưu đãi quy định trong giấy phép hoặc luật thuế thì DN đó không được ưu đãi. Điều này đã được quy định rõ trong quy định của pháp luật.
Chính phủ luôn chỉ đạo và thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật đã được ban hành.
Đối với đầu tư mở rộng, chưa có hướng dẫn cụ thể và tiêu chí chung theo ý kiến của nhà báo.
Tôi xin phép được nêu, Luật Thuế thu nhập DN năm 2008 có hiệu lực từ 1/1/2009, đã quy định rất rõ đối với đầu tư mở rộng. Trong giai đoạn trước 2009, có ưu đãi đối với đầu tư mở rộng ở các lĩnh vực và các địa bàn ưu đãi. Từ 2009 đến hết 2013, luật trong giai đoạn này không có quy định về ưu đãi cho đầu tư mở rộng.
Luật số 32 (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp) có hiệu lực từ 1/1/2014 thì bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng. Trong luật cũng như các văn bản hướng dẫn (nghị định và thông tư) đã hướng dẫn rất rõ đối với đầu tư mở rộng. Nếu như đáp ứng điều kiện tăng thêm về công suất, vốn, thì đáp ứng điều kiện mở rộng, sẽ được hưởng ưu đãi mở rộng.
Cho phép DN được lựa chọn có thể ưu đãi theo dự án ban đầu hoặc là được miễn giảm thuế như dự án đầu tư mới. Trong trường hợp ở địa bàn được “miễn 2 giảm 4” thì sẽ được ưu đãi về thời gian miễn giảm đối với các dự án đầu tư mở rộng. Hướng dẫn đã có quy định rõ trong luật và các văn bản hướng dẫn. Trong trường hợp nếu DN có vướng mắc, Bộ Tài chính sẵn sàng trả lời và hướng dẫn cho các DN.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
PV Văn Thành (báo Tuổi trẻ TPHCM): Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng với mức lạm phát thấp như hiện nay thì phải tính toán giảm lãi suất ngân hàng. Ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như thế nào về việc này?
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Điều hành lãi suất của NHNN phải dựa trên căn cứ về kinh tế vĩ mô tổng thể, tiền tệ, tỉ giá… Trong đó lạm phát cũng là một yếu tố. Năm 2015, lạm phát ở mức thấp. Lạm phát thấp đi kèm với việc tăng trưởng kinh tế của chúng ta khá cao. Năm 2015 có khả năng chúng ta đạt tỉ lệ tăng trưởng GDP trên 6,8%.
Lạm phát của năm 2015 chịu tác động chủ yếu của việc giá hàng hóa trên thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu thô. Giá dầu thô theo dự toán từ đầu năm dự kiến là 100 USD/thùng nhưng giờ chỉ 40USD/thùng. Giá dầu biến động rất khó lường. Nếu như trong trường hợp giá dầu biến động tăng trở lại, lạm phát cũng sẽ tăng.
Trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung và của NHNN nói riêng đều không chủ quan với lạm phát, nhất là trong bối cảnh cầu trong nước đang tăng trở lại.
Với định hướng và chỉ tiêu của Quốc hội đưa ra cho năm 2016, lạm phát của năm 2016 vẫn ở dưới mức 5% thì thấy rằng khả năng lạm phát của năm 2016 vẫn thấp như năm 2015 là rất khó trong bối cảnh cầu đang tăng cao trở lại.
Về điều hành lãi suất, chúng tôi thấy rằng, đến nay so với mặt bằng lãi suất ở thời điểm cuối năm 2011, mặt bằng lãi suất đã giảm rất nhiều nhờ những giải pháp của NHNN từ miễn giảm lãi suất mặt bằng các khoản cho vay mới... Hiện nay mức lãi suất đã trở về bằng với mức lãi suất năm 2005-2006, giai đoạn nền kinh tế phát triển ổn định.
Với một tinh thần không chủ quan với lạm phát, năm 2016, chính sách lãi suất cũng phải phù hợp với xu hướng của lạm phát trong tương lai. Hiện nay NHNN quy định lãi suất trần vì vậy tùy theo nhu cầu vốn của thị trường vẫn có thể tiếp tục hạ thấp lãi suất so với trần quy định của NHNN.
Như vậy, với nhiệm vụ điều hành lãi suất, NHNN cũng sẽ tiếp tục rà soát tình hình diễn biến nền kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có phương án điều hành phù hợp cũng như có chính sách cụ thể để thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Nhóm PV
Cổng thông tin điện tử Chính phủ