Ông Vũ Trọng Kim.
Dân là gốc, là chủ
Khi thảo luận vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII nhiều ý kiến đề nghị phải đổi mới mạnh mẽ như Đại hội VI. Theo ông đây đã là thời điểm cấp bách cần phải thực hiện đổi mới?
Tâm lý chung của người dân, cán bộ, đảng viên lúc này là đòi hỏi có sự đổi mới. Nhưng bên cạnh chữ “đổi mới” thì cũng cần phải có sự ổn định. Ổn định chính là sự phát triển, chứ chúng ta không thể đổi mới bằng mọi giá.
Thực tế, trong quá trình phát triển, chúng ta cũng đã phải trả giá cho những chủ trương nóng vội, chủ quan, duy ý chí… để rồi đất nước, nhân dân phải chịu hậu quả. Tôi nghĩ người dân đều mong muốn đất nước ổn định và phát triển. Vì thế, trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII không đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn so với nhiệm kỳ trước, nhưng lại đòi hỏi phải phát triển bền vững hơn.
Suy cho cùng sự tăng trưởng đó phải trên cơ sở cơ cấu một nền kinh tế hợp lý, phát huy được thế mạnh trong nước, chứ không phải nhờ vào bên ngoài, tức là dựa vào nội lực là chính. Cho nên gắn bó giữa tăng trưởng với việc cơ cấu lại nền kinh tế là hết sức quan trọng. Bây giờ phải làm sao phát huy thế mạnh vốn có về nhân tố con người để tạo ra của cải vật chất… Thực tế những năm qua, đôi lúc chúng ta cứ làm ào ào, không tính đến hiệu quả. Chúng ta đưa vốn cho một số ngành, một số đơn vị rất nhiều, nhưng có chỗ hiệu quả thấp. Cách đầu tư như thế coi như lãng phí. Bây giờ đầu tư thì anh phải tính hiệu quả từ đồng vốn sinh lời ra được bao nhiêu, đặc biệt là tính đến nhân tố của con người, đến sự sáng tạo ra sản phẩm ra sao. Cái này T.Ư bàn rất kỹ và xác định rất rõ ràng.
Thế còn định hướng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) thì sao? Tức là đất nước làm ra được nhiều của cải vật chất và nhân dân sẽ là những người được thụ hưởng, chứ làm ra nhiều nhưng lại “chảy” vào một số ít cá nhân thì làm sao có nội dung XHCN được. Đó mới là bản chất của vấn đề. Điều quan trọng nữa là trong sự phát triển, đổi mới đó phải giữ vững cho được độc lập, độc lập cả về chính trị, kinh tế và các mặt khác trong đời sống.
Khi thảo luận góp ý vào các dự thảo Văn kiện, nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới kinh tế cần song hành với đổi mới hệ thống chính trị, trong đó cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, ông nhìn nhận sao về vấn đề trên?
Xu hướng dễ bị lạm quyền, tức là vượt qua khỏi quyền hạn là “bệnh” của các cơ quan, của những người cầm nắm quyền lực. Vì thế, cần làm sao để mọi người hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, với vị trí đã được quy định. Ở nước ta cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thì việc kiểm soát quyền lực càng được coi trọng. Tuy nhiên vừa qua chúng ta làm điều này chưa được tốt lắm.
Bây giờ trên cơ sở nền tảng Hiến pháp năm 2013, phải xây dựng và ban hành các luật, các quy định để bảo đảm kiểm soát quyền lực. Có kiểm soát được quyền lực mới không để xảy ra tình trạng lạm quyền. Bây giờ những quyết định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… những chủ trương chính sách đưa ra liên quan đến đời sống nhân dân thì phải hỏi ý kiến nhân dân. Những nơi thất bại trong thực hiện một số việc như làm công trình này, dự án kia, thậm chí có mong muốn tổ chức tốt hơn nữa cuộc sống của nhân dân nhưng mà chưa hợp ý dân thì đều đạt kết quả thấp hoặc không đạt. Hơn nữa, Việt Nam là nước XHCN, trong đó xác định dân là gốc, dân là chủ mà mình không làm đến nơi đến chốn thì đâu có được.
Ngăn cầm tiền vung vãi khắp nơi
Để đất nước phát triển bền vững thì vấn đề đại đoàn kết và phát huy dân chủ là yếu tố quan trọng?
Nói đến đại đoàn kết dân tộc thì cốt lõi chính là vấn đề phát huy dân chủ của người dân. Nhưng cũng có câu hỏi đặt ra là dân chủ ở đâu? Tôi nghĩ dân chủ từ mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, đến chính trị… Nhân dân được suy nghĩ, được quyền giám sát, được quyền kiến nghị, đóng góp hoặc yêu cầu sửa đổi những vấn đề liên quan, không trừ một lĩnh vực nào. Ngược lại nếu cấp ủy nào đó, cá nhân lãnh đạo nào đó triển khai công việc mà thấy rằng thiếu dân chủ, thiếu quy trình phát huy dân chủ thì phải hết sức chú ý.
Tuy nhiên, có người bảo chờ dân chủ thì chậm chạp lắm, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không thể vội được đâu. Nhanh mà lại vấp váp thì cũng không hề tốt. Vừa rồi có nhiều cái chúng ta nhanh quá nên phải làm lại đấy thôi. Ví dụ như cơ cấu nền kinh tế, tại sao lại “đẻ” đầu tư ngoài ngành nhiều thế? Lẽ ra cái gì ưu tiên, không ưu tiên phải được xác định chứ. Cái lẽ ra phải xã hội hóa thì mình không xã hội hóa để rồi dồn tiền ngân sách, tiền vay nước ngoài vào nhiều đơn vị dẫn đến làm hỏng.
Trong triển khai, thực hiện chúng ta cũng thiếu cách quản trị để bảo đảm lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Cách quản trị mà không chú ý đến lợi ích của nhà nước của nhân dân thì chẳng khác gì cầm tiền vung vãi khắp nơi. Cái này hết sức nguy hiểm. Bài học là chúng ta đầu tư lớn cho tập đoàn này, tập đoàn kia, ngành này, ngành kia… dự án này, chương trình kia... nhưng rồi nhiều chỗ lại bị đổ vỡ. Đây chính là những bài học rất sâu sắc về dân chủ. Dân chủ là ở chính chỗ đó, chứ không phải chỉ dân chủ ở mức được hội họp lại, được phát biểu một số điều. Dân chủ phải được thực hiện ngay trong các vấn đề về kinh tế. Kinh tế chính là mấu chốt của chính trị, là nền tảng của chính trị, nếu đời sống nhân dân không được cải thiện thì thử hỏi chính trị đâu? Chính trị đâu mà đời sống không phát triển? Chính trị chính là phải tạo ra sự phát triển bền vững và không ngừng nâng cao, cải thiện đời sống của nhân dân.
Văn Kiên
Theo Tiền phong