Bị cáo Bản tại phiên tòa sơ thẩm.
Với việc tuyên phạt bị cáo Bản về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, phải chăng Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm đã không bám sát vào diễn biến phiên tòa, bỏ qua lời khai của vợ chồng bị hại tại phiên tòa, rồi cố dùng tình tiết “uy hiếp tinh thần” nhằm “gọt chân cho vừa giày”?
Quan hệ dân sự bị “hình sự hóa”?
Như PLVN đã thông tin, năm 1998 - 1999, gia đình bị cáo Bản đã nộp cho cán bộ địa chính xã Hồ Văn Mênh tiền để làm thủ tục hợp thức hóa 1500m2 đất ao. Năm 2014, do thấy chỉ được hợp thức hóa 1/2 diện tích đất và cho rằng ông Mênh đã ỉm mất 12,4 triệu đồng, ông Bản đã đòi bồi thường. Sau nhiều lần thỏa thuận, vợ chồng ông Mênh chấp nhận bồi thường cho gia đình ông Bản 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi đang bị tạm giam về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, bị can Mênh đã khai việc đưa tiền trên. Từ đó, ông Bản bị CSĐT Công an huyện Kim Bảng khởi tố và bắt giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản” do cho rằng có hành vi “uy hiếp tinh thần” để chiếm đoạt tiền.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Bản cho biết: “Sau khi bị cáo nói chuyện việc thiếu đất, ông Mênh đã xin lỗi bị cáo và xin để giải quyết tình cảm. Ông Mênh còn nói “bây giờ không còn đất nữa thì tôi trả bằng tiền. Giá đất nhà ông là 1 triệu/m2. Thiệt hại hai bên cùng chịu. Sau đó, hai bên thống nhất bồi thường 400 triệu đồng. Sau một tuần thì ông Mênh gọi bị cáo đến lấy 170 triệu. Một tuần sau, bị cáo đến lấy nốt tiền và viết giấy biên nhận. Hai bên nói chuyện rất vui vẻ”.
Các luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo đều khằng định việc giao nhận 400 triệu trong vụ việc này là quan hệ dân sự. Thực tế, gia đình bị cáo đã bị ông Mênh chiếm đoạt 12,4 triệu và bị thiệt hại do không được hợp thức hóa đất nên hoàn toàn có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại phải bồi thường. Mức bồi thường đã được hai bên thống nhất thỏa thuận và phù hợp với quy định pháp luật về giao dịch dân sự. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ việc này là hình sự hóa quan hệ dân sự.
Vô lý chuyện: không bù tiền vẫn đủ 11 triệu
Tuy nhiên, TAND huyện Kim Bảng vẫn không chấp nhận quan điểm trên và vẫn xử phạt bị cáo Bản 10 năm 6 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. HĐXX còn cho rằng số tiền ông Mênh đã nhận trong 3 lần của bị cáo đã được nộp cho xã 11 triệu và không có lần nào ông Mênh nhận tiền của bà Mây (vợ ông Bản) tại trụ sở xã để mang vào nộp giúp cho kế toán xã. Tức là ông Mênh chỉ thu “lố” của gia đình bị cáo 1,4 triệu đồng.
Nhận định này vô lý ở chỗ, thời điểm ông Mênh nộp giúp cho bị cáo thì ông này mới chỉ nhận được 2 lần tiền với tổng số 10,9 triệu đồng. Trong khi tại Tòa, ông Mênh khẳng định “không bù tiền cho bị cáo” thì tại sao ông này vẫn có đủ 11 triệu đồng nộp cho kế toán. Như vậy thì phải có lần ông Mênh nhận 11 triệu của bà Mây tại trụ sở xã (không viết giấy vì ông Mênh mang vào nộp cho kế toán xã rồi đưa phiếu thu cho bà Mây) như lời khai của vợ chồng bị cáo thì mới hợp lý. Tại CQĐT, ông Mênh cũng từng có lời khai tương tự như của bà Mây về việc nhận 11 triệu này. Như vậỵ thì bị cáo đã bị ông Mênh chiếm đoạt 12,4 triệu chứ không phải 1,4 triệu đồng như nhận định của HĐXX sơ thẩm?
Không hề có việc “bị hại lo sợ bị uy hiếp”
Trong vụ án này, HĐXX sơ thẩm cho rằng bị cáo Bản lợi dụng lúc cơ quan nhà nước đang tiến hành thanh tra ông Mênh để “uy hiếp tinh thần” ông này nhằm chiếm đoạt tiền.
Thế nhưng trớ trêu ở chỗ, ngay tại phiên tòa, vợ chồng bị hại Mênh đều khẳng định họ chỉ sợ bị đánh chứ không sợ việc tố cáo, không sợ việc thanh tra. Bà Lương (vợ ông Mênh) khai: ông Bản nói “sau này xảy ra chuyện gì thì đừng có trách” thì tôi biết chuyện gì? Nếu xảy ra vấn đề tính mạng thì sao? Ra đường bị đánh thì làm sao”.
Cùng sợ chuyện “vũ lực” như vợ, ông Mênh khai: “Tôi chỉ sợ ông Bản cho côn đồ đe dọa đánh đập”.
Như vậy, rõ ràng nếu có việc bị cáo Bản uy hiếp tinh thần, dọa tố cáo trong vụ việc này thì vợ chồng ông Mênh cũng không hề lo sợ. Tại sao cơ quan tiến hành tố tụng huyện Kim Bảng lại cứ bắt vợ chồng ông Mênh phải sợ bị uy hiếp về tinh thần trong vụ việc này, rồi quy kết rằng do bị uy hiếp về tinh thần nên vợ chồng ông này mới chịu bỏ ra 400 triệu đồng.
Không biết về lý do gì mà HĐXX sơ thẩm đã không nắm bắt, không nhận định gì về hai lời khai quan trọng của vợ chồng bị hại tại phiên tòa như trên rồi tuyên bản án không phù hợp với diễn biến của phiên tòa khi một mực bắt bị hại phải sợ một thứ họ “không hề sợ” này?
Với nội dung tuyên án gượng ép và không đúng với chứng cứ và diễn biến phiên tòa sơ thẩm như trên, hy vọng HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Hà Nam sẽ có phán quyết khách quan về vụ án này./.
Khoa Lâm
Theo Pháp luật Việt Nam