Sáng 4/11, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Quảng cáo đã được Chính phủ trình và các Ủy ban của Quốc hội đọc báo cáo thẩm tra tại hội trường vào chiều 3/11.
Trong các nội dung liên quan đến dự thảo Luật quảng cáo, vấn nạn tin nhắn rác tiếp tục được nhiều đại biểu đưa ra bàn bạc, mổ xẻ. Dự thảo mới có bổ sung thêm quy định về tần suất gửi tin nhắn quảng cáo cho khách hàng. Theo đó, mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được gửi tối đa 5 tin nhắn quảng cáo tới thuê bao trong vòng một ngày. Thời điểm gửi tin nhắn được giới hạn trong thời gian từ 7 - 22h trong ngày. Quá thời điểm này, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ chịu mức phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, việc quản lý các hoạt động quảng cáo qua các phương tiện viễn thông, Internet là cần thiết. Đồng thời, Luật cần phải có chế tài mạnh hơn đối với các hành vi quảng cáo xâm hại tới người tiêu dùng, nhất là với những tin quảng cáo sai sự thật, có tính chất lừa đảo người tiêu dùng.
ĐBQH Phạm Quang Nghị (Hà Nội): "Thuốc quảng cáo mà chất lượng không đúng thì Bộ Y tế, cơ quan liên quan cũng phải chịu trách nhiệm". |
Một số đại biểu bức xúc về tình trạng nhiều quảng cáo sai sự thật mà vẫn được chấp nhận và phát hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Với tần suất đăng tải liên tục, các quảng cáo này dần dần đánh lừa được sự cảnh giác của người tiêu dùng.
Nhiều đại biểu đề xuất cần có biện pháp quản lý chặt đối với những quảng cáo của các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người như thực phẩm, thuốc… Bên cạnh đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo kiểu so sánh, quảng cáo gây mất mỹ quan cũng được các đại biểu đem ra thảo luận.
Đại biểu Phạm Quang Nghị (Hà Nội) đề xuất: "Thuốc quảng cáo mà chất lượng không đúng thì Bộ Y tế, cơ quan liên quan cũng phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện quảng cáo cũng phải bị xử phạt và truy cứu trách nhiệm".
Hoàng Cường