Quốc hội còn nhiều nặng nợ với cử tri

28/03/2016 10:15 AM

“Những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, trong chính sách được cử tri nêu hoài, nêu mãi, kỳ họp sau nối tiếp kỳ họp trước, mà chưa được giải quyết rốt ráo khiến cử tri thất vọng, nản lòng, còn đại biểu thì có cảm giác lực bất tòng tâm”, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng).

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng).<span :;"="" style="line-height: 150%; font-family: Arial, sans-serif;">

Lãng phí công sức của dân

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội sáng 28/3, đại biểu Tâm cho rằng 5 năm qua là một quãng thời gian vừa ngắn, lại vừa dài với Quốc hội. "Ngắn là khi chúng ta mặc dù đã rất cố gắng, nỗ lực, nhưng Quốc hội mà cụ thể là từng đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng hết được những gửi gắm, mong muốn, kỳ vọng, yêu cầu của cử tri. Dài là khi những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, trong chính sách được cử tri nêu hoài, nêu mãi, kỳ họp sau nối tiếp kỳ họp trước, mà chưa được giải quyết rốt ráo khiến cử tri thất vọng, nản lòng, còn đại biểu thì có cảm giác lực bất tòng tâm", đại biểu Tâm nói.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng thẳng thắn cho rằng, Quốc hội của nhiệm kỳ này vẫn còn nặng nợ với cử tri. “Không ít đại biểu chưa thực hiện tốt những điều mà cử tri mong đợi, chưa làm tròn bổn phận của mình vì năng lực còn hạn chế. Làm đại biểu Quốc hội nhưng hoạt động chưa năng nổ, nghiên cứu không sâu các vấn đề nổi cộm, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân, không có tính phản biện, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm.., thì làm sao xứng đáng đại diện cho cử tri”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, để đem lại niềm tin cho cử tri, trong nhiệm kỳ tới, mỗi đại biểu Quốc hội cần khắc phục tư tưởng “xuân thu nhị kỳ”, đi họp nhưng không thể hiện chính kiến, gây lãng phí thời gian, công sức của nhân dân và cơ hội của người khác. Nếu làm tốt những vấn đề này nhân dân càng tin, gắn bó với Quốc hội và chính đó là những bài học kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa sâu sắc, vững bền.

Không cải cách tiền lương khó chống được tham nhũng

Theo đại biểu Tâm, một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, mạnh hay yếu là do thể chế quyết định. Hiến pháp là nền móng của thể chế. Quốc hội cũng đã chứng tỏ nỗ lực quyết liệt để hoàn thiện thể chế. Nhưng, thể chế tốt hay không thì không chỉ phụ thuộc vào đường lối, chính sách, pháp luật, mà còn chủ yếu phụ thuộc vào con người thực hiện.

“Chủ trương rất hay, pháp luật rất đúng, nhưng người thực hiện năng lực yếu, đạo đức kém thì những lẽ hay, điều đúng ấy cũng khó có thể đi vào cuộc sống. Những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư gần đây là các ví dụ điển hình”, ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy. “Một hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước cồng kềnh, đồ sộ, không tinh giảm được biên chế, thì sẽ không thể tiến hành cải cách được chế độ tiền lương. Không cải cách được chế độ tiền lương thì khó có thể chống được tham nhũng, cửa quyền”, ông Tâm cho hay.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị nghiên cứu lại quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Việc quy định ba mức: Tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp là cách làm chưa triệt để.

“Tôi đề nghị chỉ nên quy định hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm thì mới tạo bước ngoặc đột phá nhằm nâng cao năng lực, vai trò trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm. Từ đó, quyền lực của Quốc hội được nâng lên, nhân dân càng tin tưởng”, ông Nghĩa đề nghị.

Văn Kiên

Theo Tiền phong

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,823

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]