Quốc hội khóa XIII có nhiều điểm bổi bật
Thông qua Hiến pháp 2013:
Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trọng trách xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Hiến pháp 2013 thể hiện rõ quy định Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Hiến pháp mới tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chất vấn cả nhiệm kỳ:
Điểm mới của nhiệm kỳ khóa XIII là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII. Hoạt động này đã thể hiện việc theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này của Quốc hội. Nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội tiếp tục được đưa ra phân tích, xem xét thấu đáo dưới nhiều góc độ.
Chất vấn là hình thức giám sát hiệu quả nhất trong hoạt động giám sát của Quốc hội, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều tầng lớp Nhân dân, luôn thúc đẩy đại biểu Quốc hội lắng nghe, trăn trở với các vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội để tâm huyết chuẩn bị các chất vấn có chất lượng.
Lấy phiếu tín nhiệm:
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đã đánh dấu một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận, cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Tổ chức thành công IPU-132:
Trong đối ngoại, Quốc hội đã đưa quan hệ hợp tác với Quốc hội các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, đặc biệt với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác và các nước bạn bè truyền thống. Qua đó tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội các nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta như vấn đề Biển Đông, tạo môi trường hòa bình và ổn định để phát triển.
Quốc hội đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132). Đây là Hội nghị quốc tế đa phương lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Kết quả của IPU-132 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động” và thông qua Tuyên bố Hà Nội là những đóng góp hết sức có ý nghĩa của IPU nói chung và Việt Nam nói riêng trong tiến trình xây dựng, triển khai Chương trình Nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc sau 2015.
Bãi nhiệm hai đại biểu:
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu bổ sung một thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã tiến hành xét, bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với 2 đại biểu Quốc hội. Cả hai đại biểu này đều hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp và là các đại biểu tự ứng cử.
Luân Dũng
Theo Tiền phong