Khai mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khoá 13

21/03/2016 09:25 AM

Cùng với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 5 năm, Quốc hội kỳ này dành nửa thời gian cho việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Trong diễn văn phát biểu sau lễ chào cờ lúc 9h sáng, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kỳ họp thứ 11 có khối lượng công việc khá lớn với nội dung quan trọng là kiện toàn bộ máy nhà nước. Nhiệm vụ nặng nề và trách nhiệm lớn lao, nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan hữu quan dành thời gian chuẩn bị chu đáo nội dung trình Quốc hội. Ông cũng đề nghị các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020.

đại biểu quốc hội

Đại biểu Quốc hội khoá 13 chào cờ trong phiên khai mạc.

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Đây là những dự án luật ưu tiên nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để triển khai Hiến pháp 2013.

Các đại biểu cũng dành khoảng 4,5 ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Hơn 10 ngày cuối kỳ họp được dành để kiện toàn công tác nhân sự Nhà nước (từ 31/3 đến 12/4). Nhân sự được bầu lại lần này gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, riêng nhân sự cơ quan bộ, ngang bộ sẽ chờ Thủ tướng trình.

Giải thích lý do có sự chuyển giao quyền lực sớm hơn 3 tháng so với quy định, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: "Một số chức danh sau Đại hội Đảng không tham gia Trung ương khóa mới, trong khi chúng ta đang tiến hành bầu cử Quốc hội khóa 14 và đến tháng 7 mới diễn ra kỳ họp thứ nhất. 2016 là năm đầu tiên thực hiện mục tiêu 5 năm của Đại hội Đảng khóa XII (2016-2021) nên cần động lực mới, khí thế mới để thực hiện nhiệm vụ ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ".

Trước đó tại Đại hội Đảng XII diễn ra vào cuối tháng 1, Ban chấp hành Trung ương Đảng XI giới thiệu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội.

Kỳ họp thứ 11 kéo dài trong 19 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 12/4.

Hoàng Thùy

Theo Vnexpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,347

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]