04/11/2011 16:47 PM

Gần đây, tại TPHCM xuất hiện nhiều thiếu niên từ khắp các vùng quê lân cận như Tây Ninh, Long An, Bình Phước... đổ về mưu sinh.

Chúng tập hợp lại với nhau thành những băng nhóm “giang hồ nhí”, liên tục thực hiện các vụ trộm cướp, trấn lột, móc túi ở các công viên, nhà ga, chợ đầu mối... Chỉ cần người đi đường thiếu cảnh giác, chúng sẵn sàng “hô biến” vật dụng hay tư trang của người khác thành của riêng mình. Hơn nữa, một số đối tượng còn sử dụng hung khí sẵn sàng gây ra những vụ chém giết...

MƯU SINH Ở CHỢ

Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình đổ vỡ, chán chường, nhiều em đã lao vào ăn chơi, học đòi, tham gia vào các băng nhóm giang hồ rồi dấn thân tội lỗi trở thành gái mại dâm, đâm thuê chém mướn, cướp giật, hút chích... Sau đó hậu quả phải chịu cảnh tù tội khi tuổi đời còn rất trẻ. Mấy năm gần đây, loại tội phạm liên quan đến “giang hồ nhí” có chiều hướng gia tăng, đặc biệt nguy hiểm, đã hình thành những băng nhóm tội phạm với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi táo tợn.

Chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh, TPHCM) là nơi tập trung nhiều em nhỏ đến từ miền Tây làm nghề vận chuyển cá cho các tiểu thương. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ (từ 8 đến 15 tuổi) nhưng các em đã mang dáng dấp của giới giang hồ. Là cậu bé vừa bước sang tuổi 13 nhưng K. đã trở thành thủ lĩnh của một nhóm “giang hồ nhí” trong chợ này. Khác với nhiều em nhỏ, K. rất chững chạc; khuôn mặt búng sữa nhưng đã có độ lì và bề dày thành tích đánh đấm trong khu chợ. Khắp người chỗ nào cũng có hình xăm, tay phải là hình con bọ cạp, tay trái là hình con rồng. “Ba mẹ nó ly dị, nó phải bỏ học sớm đi xin việc làm, nhưng người ta không nhận vì nó quá nhỏ. K. và em tìm đến đây làm việc. Mới đầu em và K. bị đánh đập rất nhiều, nhưng với cá tính mạnh cùng sự lì lợm, nó đã làm bọn nhỏ ở đây khiếp vía sau nhiều trận quyết chiến. Cũng từ đó, tụi em gọi nó là đại ca”, một “giang hồ nhí” kể lại.


Sòng bạc của các thanh thiếu niên hư

Rảo mắt nhìn qua những em nhỏ khác trong một quán nước mía ngay cạnh chợ, chúng tôi thấy nhiều em nhỏ có khuôn mặt non choẹt nhưng đã tiềm ẩn sự chai lì với nhiều hình xăm, tóc tai nhuộm đỏ hoe, ăn nói cục cằn, miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc... Để có được chỗ đứng trong chợ, nhiều cuộc chiến tranh giành địa bàn, quyền lợi giữa các nhóm “giang hồ nhí” tại nơi đây rất khốc liệt. Các em sẵn sàng sử dụng hung khí và tổ chức đánh hội đồng gây thương tích với những em khác nhóm. Thậm chí, các em còn làm nhục nhau bằng cách xé toang quần áo của đối thủ để trêu ngươi trước đám đông.

Mỗi ngày đám trẻ làm việc kéo dài từ 20 giờ tối cho đến sáng. Sau một đêm làm việc mệt mỏi, thay vì nghỉ ngơi, nhiều em đã lao vào thế giới game với nhiều trò đánh đấm vô bổ; thậm chí có nhiều em đã dùng đến trò hít keo con voi, con chó, keo đánh giày để “giải khuây”. Hậu quả là sức khỏe đi xuống, mất lý trí làm việc; những “giang hồ nhí” này bắt đầu nghĩ đến chuyện trộm cá của các tiểu thương mang ra ngoài bán. Nhưng ăn của người khác đâu phải dễ, trộm mà bị bảo vệ hay chủ vựa bắt thì no đòn, vừa bị đánh vừa mất niềm tin, nên nhiều em sau khi bị phát hiện đã phải bỏ chợ đi khắp nơi mưu sinh.

ĐÊM XUỐNG LÀ TRỘM, CƯỚP

Đầu tháng 2-2011, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 6 (TPHCM) đã mở đợt truy quét nhằm vào các đối tượng giang hồ ở công viên Phú Lâm và bắt giữ 3 đối tượng, trong đó có hai đối tượng là “giang hồ nhí” ở khu vực này, gồm: Lưu Thị Thanh Tâm (17 tuổi, ngụ quận 6), Tăng Thanh Tùng (19 tuổi, Phụng Hiệp, Cần Thơ) và Nguyễn Văn Long (quê Châu Phú, An Giang). Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các đối tượng tiếp tục quay trở lại gây náo loạn trong công viên với cách thức tổ chức tinh vi hơn.

Nhiều lần gặp phải sự truy quét của lực lượng chức năng, chúng chia thành từng nhóm nhỏ hoạt động đơn lẻ. Mỗi tuần tập hợp nhau tại một quán cà phê hay dưới những gốc cây trong công viên để bàn các kế hoạch “tác chiến”. Theo đó, những “giang hồ nữ” và những em nhỏ tuổi hoạt động theo kiểu “chim mồi” đóng giả là những gái mại dâm hay người ăn xin chèo kéo người trong và ngoài công viên, rồi lợi dụng sơ hở của người dân ra tay chiếm đoạt tài sản. Đây là cách thức mà nhóm “giang hồ nhí” đã học tập các đối tượng giang hồ đàn anh trước đó đã bị bắt. Anh N.H.H là nạn nhân của “giang hồ nhí” than phiền: “Một hôm đi dạo trong công viên, thấy một em nhỏ trạc 15 tuổi cầm chiếc mũ chìa tay xin tiền. Cứ tưởng người ăn xin tôi dừng lại móc bóp lấy tiền thì từ phía sau một đối tượng khác chạy đến cướp chiếc bóp rồi nhảy lên xe máy phóng vút vào bóng tối. Cùng lúc đó đứa nhỏ ăn xin cũng biến mất”.

Nguy hiểm hơn cả là nhóm “giang hồ nhí” hoạt động ở vành đai làng Đại học quốc gia TPHCM. Lợi dụng địa bàn ít người, thường xuyên chỉ có sinh viên và công nhân qua lại, các đối tượng này núp bóng ở các địa điểm nhạy cảm xung quanh hồ đá để ra tay. Các đôi tình nhân là công nhân, sinh viên... đến những nơi này để tâm sự vào những buổi chiều và đêm tối. Lúc vắng người, nhóm này đã dùng hung khí kề cổ buộc các nạn nhân phải giao xe, điện thoại, tiền, nữ trang... nếu không sẽ bị giết. Vì vậy, các nạn nhân phải buộc giao tài sản cho chúng mà không dám kháng cự. Không chỉ thực hiện các hành vi trộm cướp táo tợn, “giang hồ nhí” nơi đây thường xuyên ăn nhậu, ca hát đình đám sau đó tổ chức các cuộc đua xe trái phép gây kinh hoàng cho người đi đường.

Đầu tháng 9-2011, Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương bắt giữ bảy đối tượng liên quan đến hàng loạt vụ cướp tài sản xảy ra trên địa bàn, gồm: Võ Văn Nguyên (tự Bi, 17 tuổi), Võ Đức Thắng (18 tuổi), Nguyễn Chí Thọ (18 tuổi), Nguyễn Hoàng Tuấn (16 tuổi, cùng ngụ P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức), Nguyễn Thanh Việt (17 tuổi, ngụ phường An Bình, thị xã Dĩ An), Lưu Hoàng Phương (18 tuổi, P21, Q.Bình Thạnh, TPHCM), Nguyễn Ngọc Minh (quê Bình Định). Những đối tượng này là “hung thần” chuyên tổ chức cướp tài sản của các đôi tình nhân ở khu vực thị xã Dĩ An (Bình Dương) và vùng giáp ranh với TPHCM như quận Thủ Đức, khu hồ đá, khu Đại học quốc gia TPHCM...

Sau một thời gian lắng xuống bởi sự truy quét của lực lượng chức năng, hiện nay tại làng ĐH Thủ Đức tiếp tục xuất hiện một nhóm “giang hồ nhí”. Ban ngày bọn chúng tổ chức nhậu nhẹt, đánh bài tại những quán cà phê. Đêm xuống tụ tập nhau lại tìm đến các phòng trọ của sinh viên thực hiện hành vi trộm cắp. Nhiều SV thuê phòng trọ cũng ám ảnh bởi tình trạng trộm cắp diễn ra ngày càng trắng trợn.

“Giang hồ nhí” trở thành nỗi lo đối với người dân ở nhiều nơi trên địa bàn TP. Nếu các nhóm “giang hồ nhí” tiếp tục lộng hành sẽ để lại những hệ lụy khôn lường, cần có biện pháp mạnh tay đối với loại tội phạm này.

Theo PHI THÔNG (CATP)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,753

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]