Từ việc giải quyết tranh chấp nội bộ bằng "cơ bắp"
Ông Thìn và bà Tuyền sau một thời gian dài chung sống như vợ chồng đã đăng ký kết hôn tháng 10/2006 và có một đứa con gái chung. Tuy nhiên ngày 10/1/2008 TAND Q.Tân Bình có quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn giữa ông Thìn và bà Tuyền, giao bà Tuyền được trực tiếp nuôi con chung, về tài sản chung hai bên tự thỏa thuận.
Năm 2010, bà Tuyền (lúc này đổi tên thành Nguyễn Phương Hằng) được ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Đại Nam – một đại gia ở Bình Dương - cưới về làm vợ. Từ đó, bà Tuyền bắt đầu tranh chấp tài sản với ông Thìn. <?xml:namespace prefix="o"?>
Lợi dụng việc đang giữ quyết định giải thể Cty do ông Thìn ký ngày 27/12/2007 và biên bản họp Hội đồng thành viên Cty Đông Nam Long ngày 28/12/2007 trong đó có viết rằng bà Tuyền được phân chia 365 ha cao su, bà Tuyền đã làm đơn kiện ông Thìn ra Tòa kinh tế TAND TPHCM, sau đó bà rút đơn kiện và tố cáo ông Thìn đến Công an tỉnh Bình Phước.
Vụ việc trở nên phức tạp hơn khi vào ngày 28/2/2011, trong lúc ông Thìn ông có mặt ở công ty thì ông Huỳnh Uy Dũng đã đưa xe và hàng chục bảo vệ Cty Đại Nam xông vào trụ sở Cty Đông Nam Long uy hiếp nhân viên Cty Đông Nam Long. Sự kiện vi phạm pháp luật này đã được báo PLVN và báo Công an TPHCM phản ánh.
Tuy nhiên, lý giải về việc tại sao có quyết định giải thể nói trên, ông Thìn cho biết năm 2007, ông Huỳnh Uy Dũng (lúc đó còn là bạn của bà Tuyền), và một đối tác khác muốn mua lại vườn cao su của Cty Đông Nam Long với yêu cầu ông Thìn giải thể Cty và chuyển sở hữu vườn cây ra tên cá nhân các thành viên Cty thì ông Dũng mới đồng ý mua.
Vì vậy ông Thìn đã ký quyết định giải thể và lập biên bản tạm thời phân chia tài sản đứng tên cá nhân để bán cho họ. Tuy nhiên sau đó một năm việc mua bán không thành nên các giấy tờ liên quan đến giải thể bị hủy bỏ. Phần ông Huỳnh Uy Dũng không mua được vườn cao su nhưng cuối cùng cũng rước được bà Tuyền về “dinh” !?.
Đến hình sự hóa tranh chấp dân sự
Sau vụ ông Dũng cùng bảo vệ của mình xông vào trụ sở Cty Đông Nam Long, ông Thìn đã viết thư mời bà Tuyền và ông Dũng đến công ty để cùng nhau giải quyết vấn đề chia tài sản nhưng cả hai người này không tới mà họ muốn dùng công an để hình sự hóa vụ việc. Và đúng là liên tục từ cuối tháng 3 đến tháng 6/2011 ông Thìn đã nhiều lần phải làm việc với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Bình Phước (PC49) để giải trình và phục vụ điều tra theo đơn của bà Tuyền.
Nhận thấy việc công an thụ lý giải quyết sự việc là không đúng thẩm quyền nên ông Thìn đã gửi đơn khiếu nại, đồng thời kiến nghị cơ quan công an hướng dẫn đương sự nộp đơn khởi kiện tại TAND có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc khiếu nại của ông Thìn chưa được giải quyết thì ông liên tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Phước gửi nhiều giấy triệu tập để giải quyết đơn tố cáo của bà Tuyền.
Nghiêm trọng hơn, tháng 8/2011, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Thìn về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhưng các quyết định này không được VKSND tỉnh Bình Phước phê chuẩn vì xác định đây chỉ là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước không đồng ý với ý kiến của VKSND tỉnh Bình Phước nên đã chuyển hồ sơ kiến nghị lên Bộ Công an và VKSNDTC.
Việc cơ quan CSĐT công an Bình Phước khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với ông Thìn là có dấu hiệu “hình sự hóa” tranh chấp dân sự. Bởi lẽ, hồ sơ pháp lý từ khi thành lập Cty Đông Nam Long cho đến nay ông Thìn và bà Tuyền vẫn đứng tên thành viên công ty, tỷ lệ góp vốn mỗi người là 50% không thay đổi. Giấy tờ chứng nhận QSDĐ 567 ha đất vẫn do Cty Đông Nam Long đứng tên. Mọi hoạt động của doanh nghiệp này từ chi phí, doanh thu đều được hạch toán vào sổ sách công ty và báo cáo với cơ quan thuế. Việc giải thể không đúng trình tự theo luật định nên pháp nhân Đông Nam Long vẫn tồn tại.
Cơ quan CSĐT cho rằng ông Thìn chiếm đoạt tài sản để hưởng lợi lại càng không có cơ sở, bởi lẽ: Năm 2007 lúc đó cây cao su mới trồng xong, một mình ông Thìn phải bỏ chi phí đầu tư chăm sóc, trả lương cho người lao động, không hề có bất cứ khoản thu nhập nào. Đến năm 2011 chuẩn bị đưa một phần vườn cao su vào khai thác thì bà Tuyền tranh chấp.
Tóm lại, tài sản trên hiện nay vẫn đứng tên Cty Đông Nam Long nên nếu bà Tuyền có tranh chấp thì là tranh chấp tài sản sau ly hôn và tranh chấp thành viên, cần giải quyết theo thủ tục dân sự chứ không thể “hình sự hóa” nó. Tiếc thay, một số tờ báo không biết lấy thông tin từ đâu đã vội vàng viết bài kết luận ông Thìn hưởng lợi cả trăm tỷ đồng từ khai thác mủ cao su, ông Thìn chiếm đoạt tài sản vẫn vô can, gây cho công luận hiểu sai khiến người lao động tại Cty Đông Nam Long hoang mang.
Nhóm PV điều tra
Vườn cao su của Công ty TNHH Đông Nam Long. |