Trong quá trình xảy ra tranh chấp đất đai giữa 2 miền Thanh Nga và Nhân Phúc, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Một quả lựu đạn đã phát nổ làm 1 người chết 21 người bị thương vào ngày 29/11/1992.
Vụ án đã xảy ra cách đây 24 năm, cũng từng ấy năm gia đình của ông Trần Văn Điền (82 tuổi), ở xóm 5, xã Phú Phúc vẫn “miệt mài” đi kêu oan cho hai người bị kết án giết chết con mình vào buổi trưa ngày 29/11/1992.
Hai người bị kết án mà ông Điền và gia đình mình đi kêu oan là ông Trần Văn Vót (SN 1949) và ông Trần Ngọc Thanh (SN 1974), đều là người dân miền Nhân Phúc, xã Phú Phúc.
Hơn 20 năm ròng rã đi kêu oan cho thủ phạm bị kết án "giết" con mình
Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, tóc đã bác trắng đầu, nhưng ông Trần Văn Điền còn rất minh mẫn. Trò chuyện với PV, ông Điền vẫn khẳng định, hung thủ thực sự giết con của mình vào ngày 29/11/1992 không phải là ông Vót và ông Thanh.
Con trai ông Điền là Trần Hoa Việt (SN 1965), sau nhập ngũ làm tròn nghĩa vụ, anh Việt tốt nghiệp ngành hàng hải loại giỏi, vừa lấy vợ và đang ở nhà chờ nhận công tác. Ngày 29/11/1992, khi anh Việt cùng người dân miền Nhân Phúc ra bãi Bạc Hà và cánh đồng Thanh Lan thì xảy ra sự việc lựu đạn nổ, mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng anh Việt không qua khỏi.
Nhận được tin con mình bị “sát hại”, gia đình ông Điền vô cùng đau đớn và phẫn nộ trước kẻ thù ác. Ông và gia đình mong muốn kẻ gây ra cái chết cho con mình và những người bị thương phải bị pháp luật trừng trị thích đáng, đúng người đúng tội. Nhưng đến khi ông Vót và ông Thanh bị bắt giữ và bị tuyên án, ông Điền và gia đình liên tục kêu oan cho 2 người này suốt 24 năm qua. Vì ông tin rằng hai người này không phải là hung thủ thực sự.
Ông Trần Văn Điền hơn 20 năm đi kêu oan cho hai người bị kết án “giết” chết con mình
Ông Điền tâm sự: “Gia đình chúng tôi chỉ mong pháp luật xử đúng người, đúng tội, chứ không phải xử cho xong. Kẻ nào gây ra chuyện này phải bị trừng trị thích đáng, chứ không nên bắt bớ người vô tội. Qua tìm hiểu và tự mình điều tra tôi khẳng định Thanh và Vót không phải là hung thủ, hai người họ bị oan sai”.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 1976, Hợp tác xã Thanh Nga và Hợp tác xã Nhân Phúc được hợp lại thành một với tên gọi Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Phúc, Hợp tác xã Nhân Phúc có quy mô 584 ha đất canh tác, 1.222 hộ xã viên với 5.009 nhân khẩu.
Sau khi hợp nhất lại thành một, Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Phúc xảy mâu nhiều thuẫn và làm ăn không hiệu quả. Mâu thuẫn ngày càng lên cao, thể theo nguyện vọng của các xã viên, cấp trên lại tách Hợp tác xã Nhân Phúc ra làm 2 như trước.
Tuy nhiên, khi tách ra người dân 2 miền lại khúc mắc nhau về việc phân chia đất canh tác. Việc tranh chấp đất đai ngay càng phức tạp hơn. Đến tháng 1/1992, giữa 2 miền Thanh Nga và Nhân Phúc đã xảy ra vụ xô xát làm bảy người dân Nhân Phúc bị thương.
Đỉnh điểm của sự việc diễn ra vào ngày 29/11/1992, tại bãi đất Bạc Hà và cánh đồng Thanh Lan đã xảy ra một vụ xô xát đã xảy ra giữa người dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc. Trong vụ xô xát trên, có một người đã ném một quả lựu đạn vào đám đông làm một người dân miền Nhân Phúc chết và 21 người bị thương.
Sau khi sự việc nghiêm trọng trên xảy ra, Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Cự, người dân miền Thanh Nga về tội danh “giết người” và “tàng trữ vũ khí trái phép”. Do Cự đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên Công an đã phát lệnh truy nã trên toàn quốc.
Bãi Bạc Hà, xã Phú Phúc nơi xảy ra sự việc vào ngày 29/11/1992
Khi người dân và gia đình cụ Trần Văn Điền tin tưởng rằng kẻ gây ra tội ác trong ngày 29/11/1992 sẽ phải bị bắt và chịu sự trừng trị của pháp luật thì sự việc lại chuyển sang diễn biến khác.
Vào ngày 23/2/1993, anh Trần Ngọc Thanh (SN 1974), người miền Nhân Phúc bị bắt khi đang đi nghĩa vụ quân sự, tại E139 Bộ Tư lệnh Thông tin. Thanh được di lý về Công an tỉnh Nam Hà. Tại cơ quan điều tra, Trần Ngọc Thanh đã khai ra ông Trần Văn Vót là người đưa lựu đạn cho Thanh ném vào đám đông. Hai tháng sau, ông Vót bị bắt về hành vi giết người liên quan đến vụ nổ.
Ngày 27/5/1993, ông Trần Văn Vót bị bắt tại trụ sở UBND xã Phú Phúc để phục vụ điều tra về hai hành vi “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí”.
Tại bản án số 37 ngày 26/2/1994 của TAND tỉnh Nam Hà tuyên phạt bị cáo Trần Văn Vót tù chung thân cho cả bốn tội giết người, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, tàng trữ vũ khí trái phép và gây rối trật tự công cộng. Bị cáo Trần Ngọc Thanh lãnh 15 năm tù về tội giết người.
Mặc dù bị cơ quan Công an truy nã về tội danh “giết người” và “tàng trữ vũ khí trái phép” nhưng Trần Văn Cự chỉ bị Tòa tuyên phạt 2 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng. Cùng vụ án, 26 bị cáo khác phải lãnh án về các tội khai báo gian dối, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...
Kết thúc phiên Tòa sơ thẩm, một số bị cáo làm đơn kháng cáo kêu oan. Riêng ông Trần Văn Điền cũng có đơn kháng cáo cho rằng kẻ ném lựu đạn khiến anh Việt tử vong không phải là Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh mà là Trần Văn Cự.
Đến tháng 8/1994, phiên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo của các bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại, y án sơ thẩm. Bắt đầu từ đây, ông Điền ròng rã làm đơn đi khắp các cơ quan chức năng kêu oan cho 2 người bị kết án “giết” con mình.
“Tôi khẳng định Thanh và Vót không phải là hung thủ!”
Trong phiên Tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Thanh và ông Vót một mực kêu oan, nhóm bị cáo phạm tội “khai báo gian dối” cũng có kháng cáo kêu oan.
Cụ thể, ông Thanh khai nhận lúc xảy ra sự việc mình cùng một số người đang trên đường đi làm đất cho một người trong xóm. Khi bị bắt về trại tạm giam của công an tỉnh, Thanh đã bị dùng nhục hình để ép phải nhận như vậy. Nhưng lời khai tại Tòa này không được chấp nhận.
Nhận thấy việc có dấu hiệu oan sai trong vụ án này, tự ông Điền đã tìm hiểu sự việc để này để giải oan cho 2 người bị kết án và bắt kẻ đã gây ra tội ác phải chịu trừng trị của pháp luật.
Rất nhiều người dân khẳng định hôm xảy ra sự việc ông Thanh và ông Vót đều có bằng chứng ngoại phạm. Cụ thể, lúc vụ nổ xảy ra nhiều người gặp ông Thanh trên đường đi bốc đất thuê về, địa điểm gặp ông Thanh cách hiện trường vụ việc khoảng 1km. Còn ông Vót lúc xảy ra sự việc đang ngồi uống nước ở nhà hàng xóm, nghe tiếng nổ ngoài bãi, ông Vót mới chạy ra ngoài.
Bộ Quốc phòng đã chuyển đơn khiếu nại của ông Trần Văn Điền đến VKSND Tối cao và TAND Tối cao để xem xét theo thẩm quyền
Với những chứng cứ thu thập được như: ông Trần Ngọc Thanh không có mặt ở hiện trường khi xảy ra vụ án; hôm xảy ra sự việc có 4 cán bộ Công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường đã nhìn rõ lựu đạn được ném từ phía người Thanh Nga sang phía người Nhân Phúc. Cùng nhiều nhân chứng đã đứng ra xác nhận tình trạng Thanh và Vót ngoại phạm thời điểm xảy ra vụ án.
Ông Điền khẳng định: “Với những bằng chứng tôi có, tôi khằng định Thanh và Vót không phải là hung thủ, chính vì vậy tôi mới làm đơn kêu oan cho 2 người trên và tôi mong muốn hung thủ thật sự là Trần Văn Cự phải chịu trừng trị của pháp luật”.
Ông Trần Văn Vót đang thụ án tại trại giam (ảnh gia đình cung cấp)
Ngày 11/12/1998, Phó chánh tòa Hình sự TANDTC Nguyễn Văn Hiện (sau là Chánh án TANDTC, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đã ký công văn số 515/HS gửi Vụ 3 VKSNDTC, có nội dung: "Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1030 ngày 25-27/8/1994, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã kết án Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội “giết người”. Sau khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo có đơn khiếu nại nên ngày 10/8/1995 TANDTC đã có công văn số 263 trả lời gia đình bị cáo.
Ngày 16/11/1998 ông Trần Ngọc Thông và bà Trần Thị Tân (bố và mẹ bị cáo Trần Ngọc Thanh) và đại diện gia đình, họ tộc người bị hại Trần Văn Việt tiếp tục khiếu nại và đưa ra một số chứng cứ cho rằng việc điều tra vụ án không khách quan, dẫn đến việc tòa án kết tội oan cho Trần Ngọc Thanh.
Theo ý kiến của Chánh án TANDTC và căn cứ quy định tại các điều từ 260 đến 263 Bộ luật TTHS năm 1993, TANDTC chuyển đơn khiếu nại đến vụ 3 VKSNDTC để giải quyết theo thẩm quyền”. Nhưng tất cả đều chìm vào im lặng không hề có hồi âm.
Ngày 12/6/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo số 4364 gửi Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ như sau: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Chánh án TAND tối cao chỉ đạo xem xét, giải quyết phản ánh của GS.TS Nguyễn Lân Dũng về Bản án hình sự phúc thẩm số 1030 ngày 27/8/1994 của Tòa phúc tẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội theo qui định của pháp luật và thông báo cho Thủ tướng Chính phủ biết kết quả.... Mới đây nhất, ngày 25/7/2016, Bộ Quốc phòng đã chuyển đơn khiếu nại của ông Trần Văn Điền, cha nạn nhân Trần Hoa Việt trong vụ án, đến VKSND Tối cao và TAND Tối cao để xem xét theo thẩm quyền. Đơn của ông Điền đề nghị VKS và TAND Tối cao kháng nghị tái thẩm vụ án và minh oan cho ông Trần Văn Vót và ông Trần Ngọc Thanh; trước mắt, hai cơ quan này cần kiến nghị Bộ Công an cho ông Vót tạm thời được về nhà để chữa bệnh vì ông Vót đã thụ án được 23 năm. |
Đức Văn
Theo Dân trí