Đại biểu Quốc hội: “Cần thả ngay ông Trần Văn Vót”

09/08/2016 13:53 PM

Đó là lời của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cũng như giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng khi nói về vụ án này. Được biết, ông Vót còn đang bị mắc bệnh lao kháng thuốc và rất yếu trong khi vụ án của ông có nhiều dấu hiệu oan sai…

24 năm qua, ông Trần Văn Vót không được giảm án vì chưa một lần nhận tội.

Nhiều người khai ông Vót không có mặt tại hiện trường

Như đã thông tin trên số báo trước, trong vụ giết người bằng lựu đạn xảy ra từ năm 1992 này, ông Trần Văn Vót được cho là người tàng trữ và đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh, để Thanh ném vào phía người cùng làng Thanh Nga (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

Họ cho rằng quả lựu đạn đó do ông Vót thu của ông Trần Hồng Hòa khi ông Vót còn làm ở Huyện đội Lý Nhân. Tuy nhiên, người nhà ông Vót cho biết, ông đã nộp quả lựu đạn đó vào kho của Huyện đội trước sự chứng kiến của thủ kho. Đặc biệt, trước đó ông Trần Hồng Hòa đã bị xét xử về tội tàng trữ vũ khí, nên đương nhiên ông Vót đã phải nộp quả lựu đạn làm vật chứng tòa mới có thể xét xử được.

Nhiều người dân cho biết, vào thời điểm lựu đạn nổ, ông Vót đang tham gia đốt lò gạch ở trong làng. Tuy nhiên, những người khai như vậy đều bị tuyên án về tội “khai báo gian dối”. Điển hình, ông Trần Thế Huệ (SN 1946) khai hôm đó ông cùng hàng chục người khác gồm cả ông Vót vừa “vào lò” xong, đang ngồi uống nước thì nghe tiếng nổ lớn, sau đó mọi người mới biết lựu đạn nổ. Do lời khai này, ông Huệ lĩnh 1 năm tù treo.

Ông Lưu Thanh Hải (ở xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân) cũng khẳng định Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh không có mặt tại hiện trường thời điểm xảy ra vụ án. Sau đó, ông Hải phải lĩnh án tù trong một vụ án khác mà cho đến nay bản thân ông vẫn ấm ức cho rằng, có “quá nhiều uẩn khúc” quanh án tù của ông. Nhiều nhân chứng mà PV Tiền Phongtiếp xúc mới đây đều khẳng định, họ sẵn sàng làm chứng trước tòa một lần nữa, rằng ông Vót không có mặt tại hiện trường khi xảy ra án mạng.

“Người ném lựu đạn” nói gì?

Trần Ngọc Thanh, người thụ án 15 năm tù về tội giết người, nay đã ra tù và lập gia đình. Tiếp chuyện PV Tiền Phong, ông Thanh cho biết sẽ tiếp tục kêu oan cho mình và cho cả ông Vót.

Ông Trần Ngọc Thanh- người lĩnh 15 năm tù vẫn một mực kêu oan.

Ông Thanh kể, buổi chiều định mệnh, ông đi làm cùng tổ vác đất gồm 8 người, 4 người trong số này đều bị truy tố về tội khai báo gian dối, do họ khẳng định ông Thanh không ở hiện trường. Bà Trần Thị Bông (người cùng thôn Thanh Nga) kể: “Hôm đó tôi vào nhà mẹ đẻ ra tới ngõ Hải Mạc có gặp anh Thanh và anh Đạt mặc quần đùi, cởi trần đi vác đất về thì nghe tiếng nổ, sau đó mới biết là lựu đạn nổ làm chết người, khoảng cách từ chỗ tôi gặp anh Thanh tới chỗ lựu đạn nổ khoảng gần 2 km”. Nhiều người khác cũng khẳng định, họ thấy ông Thanh đi vác đất về gần thời điểm xảy ra vụ nổ.

Dù vậy, cơ quan điều tra vẫn xác định Trần Ngọc Thanh là người nhận lựu đạn của ông Vót để ném vào đám đông. Một trong những căn cứ cơ quan điều tra đưa ra là có lần tại đơn vị Thanh uống rượu say, tâm sự với tiểu đội trưởng: “Em nhà nghèo, cha mất sớm lại phạm tội giết người” và viết “đơn tự thú” tại đơn vị và thư xin lỗi bố mẹ. Điều mâu thuẫn ở chỗ, đến nay bố mẹ anh Thanh vẫn sống khoẻ mạnh. Đặc biệt, tiểu đội trưởng của anh Thanh là Phan Quang Dương cũng khẳng định bằng văn bản: “Trong thời gian Thanh ở đơn vị không nói, tiết lộ, khai báo gì”.

Trao đổi với phóng viên, ông Thanh nói: “Hiện sức khỏe của tôi rất yếu, liên tục phải vào viện, tôi chỉ có mong ước sao giải được nỗi oan này và tìm ra kẻ đã ném quả lựu đạn đồng thời xử lý nghiêm những người dàn dựng vụ án khiến tôi phải vào tù”.

Ông Vót một mực không nhận tội

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, đây là vụ án rất đau lòng. Ông Vót đi chiến đấu nhiều năm, nhận nhiều huân huy chương của Nhà nước và của nước bạn Lào, bệnh binh mất sức 71%. “Rõ ràng vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng, tôi đã chuyển đơn đi nhiều nơi nhưng vẫn chưa thấy có động thái gì” - bà Khánh nói. Bà Khánh cho biết thêm, hiện ông Vót  mắc bệnh lao kháng thuốc và suy giảm thính lực nghiêm trọng. “Gặp ông ý trong trại, nói ông ý chỉ nhìn lên, tôi phải hét lên ông mới nghe thấy” – bà Trần Thị Quốc Khánh nói tiếp.

Bằng khen, huân chương ông Vót được Nhà nước và nước bạn Lào trao tặng.

Theo bà Khánh, đến nay ông Vót vẫn một mực kêu oan; đồng thời vẫn chấp hành tốt mọi nội quy trong trại giam. Do ông Vót không bao giờ ký vào bản nhận tội nên không được hưởng chế độ giảm án, tha tù. “Việc cần nhất bây giờ là thả ông Vót ra để chữa bệnh, dù ông có phạm tội thật thì cũng phải để cho ông và gia đình tâm phục khẩu phục” - bà Khánh nói.

GS. TS Nguyễn Lân Dũng, một trong những người song hành cùng gia đình ông Vót trong quá trình kêu oan, cũng đồng tình với ý kiến trên của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh. “Việc cần làm ngay là thả ông Vót ra để chữa trị, đó là vấn đề nhân đạo và tôi sợ nhất là ông ấy không thể chứng kiến ngày mà người ta minh oan cho ông” - GS. TS Nguyễn Lân Dũng nói.

Cuối tháng 7 vừa qua, tại văn bản đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét tái thẩm vụ án trên, xóa tội giết người với Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị Chánh án TAND Tối cao cùng Viện trưởng VKSND Tối cao có ý kiến với Bộ Công an để ông Vót được tạm thời về gia đình vì ông đã chấp hành hình án trên 24 năm tù, hiện phát sinh nhiều bệnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh: “Vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng, ông Vót đã ngồi tù oan hàng chục năm nay, sức khỏe đã rất yếu và người nhà họ gửi nhiều đơn nhưng điều lạ là không ai trả lời. Sắp tới tôi sẽ lên kế hoạch giám sát việc này để báo cáo Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội”.

Xuân Ân

Theo Báo Tiền phong

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,148

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]