Theo đó, cơ quan nhà nước, người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân có liên quan đến giao dịch điện tử về đất đai sẽ sử dụng chữ ký điện tử, bao gồm chữ ký số (một dạng chữ ký điện tử dựa trên công nghệ mã khóa công khai) và các loại chữ ký điện tử khác theo quy định của pháp luật.
Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người ký.
Khi sử dụng chữ ký điện tử, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền thỏa thuận, lựa chọn sử dụng loại chữ ký điện tử theo theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật về chữ ký điện tử và dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.
Dự thảo cũng quy định các trường hợp giao dịch đất đai được thực hiện bằng phương thức điện tử như: Thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; trao đổi văn bản trong cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; trao đổi văn bản giữa cơ quan quản lý nhà nước về đất đai với các cơ quan có liên quan; chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu trong giao dịch điện tử về đất đai.
Ngọc Mai
Theo Báo Tiền phong