Thông tư này quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các cơ quan, đơn vị, bao gồm tất cả các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (trừ Hiến pháp) được ban hành thay thế Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Thông tư liên tịch số 47/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Nội dung chi cho các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật
Trên cơ sở căn cứ tính chất, mức độ phức tạp của mỗi hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thông tư quy định cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện chi theo những nội dung thuộc phạm vi các hoạt đông: (i) tổng kết việc thi hành pháp luật hiện hành; (ii) tập hợp, rà soát đánh giá văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; (iii) điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội phục vụ lập đề nghị xây dựng văn bản, lập đề nghị chương trình xây dựng văn bản; (iv) dịch, hiệu đính tài liệu, văn bản tiếng nước ngoài; (v) soạn thảo văn bản; (vi) Đánh giá tác động của chính sách, đánh giá tác động của văn bản; (vii) thẩm định; (viii) lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia; (ix) dây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra, văn bản góp ý và chỉnh lý, hoàn thiện các loại đề cương, báo cáo, dự thảo văn bản…
Định mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật
Theo quy định tại Thông tư định mức chi có tính chất đặc thù, được bảo đảm từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. So với Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP và Thông tư liên tịch số 47/2012/TTLT-BTC-BTP thì định mức chi đã có nhiều thay đổi.
- Mức chi soạn thảo văn bản từ 2.700.000 đồng - 12.000.000 đồng/dự thảo văn bản, tùy thuộc vào loại văn bản và tính chất ban hành mới, thay thế hay văn bản sửa đổi bổ sung một số điều.
- Mức chi góp ý từ 250.000 đồng - 1.000.000 đồng/văn bản, tùy thuộc vào loại văn bản và tính chất ban hành mới, thay thế hay văn bản sửa đổi bổ sung một số điều.
- Mức chi cho xây dựng báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra từ 500.000 đồng - 1.500.000 đồng/báo cáo, tùy thuộc vào đó là loại văn bản và đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hay là đối với dự án, dự thảo văn bản.
Bên cạnh đó, Thông tư còn quy định định mức chi cho việc chỉnh lý hoàn thiện đề cương nghiên cứu, các loại báo cáo, bản thuyết minh, tờ trình văn bản, dự thảo văn bản; chi cho cá nhân tham gia họp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị và họp báo; thuê dịch tài liệu hiệu đính tài liệu dịch; lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia .
Định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật
Thông tư quy định định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật thực hiện cũng đã có nhiều thay đổi so với Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP và Thông tư liên tịch số 47/2012/TTLT-BTC-BTP.
- Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, định mức phân bổ kinh phí cho cơ quan chủ trì soạn thảo từ tối đa 250 triệu đồng - 2 tỷ đồng /dự án.
- Nghị định của Chính phủ, định mức phân bổ kinh phí 40 triệu đồng - 60 triệu đồng/dự thảo văn bản. Trường hợp phải tổ chức họp lấy ý kiến rộng rãi, nhiều lần với phạm vi rộng, thì mức phân bổ kinh phí do thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, xây dựng quyết định trong phạm vi dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao.
Định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật khác như quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết liên tịch, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt được ban hành mới hoặc thay thế cũng có nhiều thay đổi.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định căn cứ vào khả năng nguồn kinh phí, trong trường hợp cần thiết thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì sắp xếp, bố trí một khoản kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên đã được giao để hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Việc lập dự toán, phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Thông tư này chỉ quy định nội dung đặc thù đối với kinh phí xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật
Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp