Cách đây 48 năm, mùa Thu năm 1969, Bác Hồ về với thế giới người hiền. Trong Di chúc thiêng liêng, Bác viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân ta đã kiên cường đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975. Xuân Đinh Dậu 2017 là mùa Xuân thứ 42 kể từ ngày thống nhất đất nước, non sông Việt Nam đã có biết bao đổi thay. Năm sau tiến hơn năm trước khá rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm hân hoan, phấn khởi khi được báo cáo trước anh linh Bác về sự tiến bộ và ổn định xã hội những năm qua, trong mỗi chúng ta hầu như đều cảm thấy còn có lỗi với Bác vì "một bộ phận không nhỏ" đã không nghiêm túc tuân theo những lời dạy ân tình mà Bác thường xuyên căn dặn đảng viên, cán bộ.
Chúng ta thấy có lỗi với Người khi: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa đà vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi…”. Thực trạng này “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI); và “Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII).
Để khắc phục được tình trạng này, tôi cho rằng chúng ta không nên phát động quá nhiều những cuộc vận động tốn kém và hình thức, mà chỉ nên thực sự đối chiếu hành động của từng người theo những lời căn dặn thấu lý đạt tình của Bác Hồ mà tôi xin phép được trích ra dưới đây.
Ngày 17/9/1945, Bác viết: “Cán bộ ta nhiều người cúc cung tận tụy, hết lòng trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có nhiều người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là vì công vinh tư. Thậm chí dùng phép công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể. Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay…”.
Tháng 10/1947 trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng mới nhanh chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”…
Bác còn nêu nhiều thứ “bệnh” phải sửa chữa. Đó là: “Bệnh nể nang”, làm ngơ trước sai lầm của người quen biết, họ hàng, thân thích; “Bệnh tham lam”, tự tư tự lợi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc, “Bệnh lười biếng”, tự cho mình là cái gì cũng biết, việc gì cũng giỏi, lười suy nghĩ, lười học tập, giành lấy việc dễ, đẩy việc khó cho người; “Bệnh kiêu ngạo”, tự cao tự đại, ham địa vị, danh vọng, hay lên mặt, thích được tâng bốc; “Bệnh hiếu danh”, tự cho mình là anh hùng, quan trọng, không chịu làm những công tác thiết thực; “thiếu kỷ luật”, đặt mình lên trên tổ chức, thích sao làm vậy; “óc hẹp hòi”, khinh người, không cân nhắc người tốt, sợ người ta hơn mình…
Bác nói những chứng bệnh trên bắt nguồn từ “Bệnh cá nhân”, mọi suy nghĩ việc làm đều xuất phát từ lợi ích cá nhân và đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, trước hết. Tất cả đều vì cá nhân, vì gia đình mình, vì phe nhóm mình. Bác khẳng định: Mắc những căn bệnh đó là do “kém tính Đảng”, mắc một trong những bệnh đó “là hỏng việc”.
Người căn dặn: “Chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy”. Từ đây, Bác đã chỉ đích danh và phê phán gay gắt “bệnh cá nhân”- chủ nghĩa cá nhân trong con người cán bộ, đảng viên.
Bác còn nhấn mạnh: “Cán bộ đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân”.
Về đức và tài , Bác viết:“Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”... "Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Mong sao đảng viên, cán bộ chúng ta hãy suy nghĩ thấu đáo về những lời dạy ân tình của Bác Hồ để tự sửa đổi mình, để được nhân dân tin yêu.
Nhân dịp đón chào Xuân mới, mừng Đảng quang vinh, chúng ta hãy biến lòng tưởng nhớ Bác bằng cách nhắc nhở nhau đừng quên những lời dặn dò của Người trước lúc đi xa: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ