Tham gia theo dõi thi hành pháp luật là quyền và lợi ích người dân

17/03/2017 08:20 AM

Trong giai đoạn hiện nay, việc theo dõi thi hành pháp luật (THPL) là nhiệm vụ mang tính hiến định, được Hiến pháp năm 2013 giao trách nhiệm cho tổ chức bộ máy nhà nước. Sự tham gia của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội trong công tác này đang ngày càng được chú trọng song vẫn cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức được quyền lợi của mình mà tích cực tham gia hơn nữa.

pháp luật

Một hội thảo góp ý hoàn thiện Khung theo dõi thi hành pháp luật.

Nhiệm vụ được hiến định

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, cả cơ quan công quyền và người dân đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, người dân có quyền giám sát, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng và THPL. Do đó, có thể thấy sự tham gia của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội trong việc theo dõi THPL là điều quan trọng.

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn cho biết: Mặc dù là nhiệm vụ được hiến định nhưng công tác theo dõi THPL mới chỉ được quy định ở tầm nghị định là Nghị định 59/2012/NĐ-CP.

Nghị định 59 đã có quy định về việc khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức vào công tác theo dõi THPL, Thông tư 14/2014/TT-BTP cũng đã có quy định cụ thể hơn về công tác này. Tuy nhiên, công tác theo dõi THPL chưa đạt được như kỳ vọng, chưa thu hút được nhiều sự tham gia của xã hội vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân thiếu công cụ, phương tiện hữu hiệu để thực hiện công tác theo dõi, đánh giá việc THPL một cách chính xác, hiệu quả và khoa học.

Hầu như mọi chính sách được đưa ra luôn có đơn vị, cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm thi hành. Nhưng không phải khi nào pháp luật cũng yêu cầu đơn vị, cơ quan đó phải lưu trữ, phân loại, sắp xếp và báo cáo các thông tin có liên quan về việc thi hành một cách đầy đủ. Đây là hoạt động thường chỉ được coi là “việc nội bộ” và được thực hiện theo “chỉ đạo điều hành” chứ chưa được thực hiện đầy đủ.

Chính điều đó tạo sự khó khăn rất lớn cho việc phân bổ nguồn lực trong công tác thực thi pháp luật cũng như việc điều chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp. Đơn cử, trong hồ sơ trình Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có đến 80% số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trước đây không có công tác tổng kết, đánh giá thực hiện. Điều này gây khó khăn cho việc tổng kết thực tiễn nhằm cải tiến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Bảo đảm sự tham gia của người dân vào đánh giá THPL

Vì vậy, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59, trong đó dự kiến xây dựng Khung theo dõi THPL và hệ thống thu thập dữ liệu. Trong Hội thảo góp ý dự thảo Khung theo dõi này vừa diễn ra trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Hồ Quang Huy chia sẻ: Để bảo đảm tính phản biện xã hội, một trong những yêu cầu đối với việc xây dựng Khung theo dõi này là bảo đảm sự tham gia của xã hội, thể hiện ở khả năng cho phép các tổ chức, cá nhân (không phải là cơ quan nhà nước) được tham gia vào quá trình đánh giá việc THPL.

Nằm trong nhóm chuyên gia xây dựng dự thảo Khung theo dõi, chuyên gia Phạm Đăng Quyết cho biết về hệ tiêu chí đánh giá, trong đó có chỉ số tác động của chính sách, các giải pháp đối với các đối tượng chịu sự tác động của chính sách về kinh tế, xã hội, giới, sự thuận lợi của các thủ tục hành chính, hiệu quả thi hành và tuân thủ pháp luật.

Đặc biệt là chỉ số niềm tin của người dân, cộng đồng vào luật pháp mà theo đó làm sao để người dân, cộng đồng tin tưởng vào luật pháp trong việc thực hiện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách công bằng, khách quan trong THPL, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, an toàn về người và tài sản, giải quyết xung đột dân sự giữa các bên liên quan theo quy định của luật pháp.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội sẵn sàng tham gia các hoạt động quản lý nhà nước nếu các cơ quan nhà nước quan tâm đến sự tham gia đó một cách thực chất, có trách nhiệm xử lý và giải trình thỏa đáng.

Chuyên gia cao cấp Dương Thị Thanh Mai dẫn chứng, cách đây vài năm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành chức năng. Đây là chỉ số đánh giá 14 bộ, ngành liên quan nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp, lúc đầu bị nhiều bộ, ngành phản ứng nhưng rồi dần dần hào hứng hơn về kết quả khảo sát của VCCI và cho rằng đó đây là một kênh để các bộ tìm thấy điểm xấu của mình để nỗ lực khắc phục. Điều đó cho thấy đã đến lúc phải biết khai thác năng lực từ sự tham gia của xã hội, người dân vào công tác theo dõi THPL, trước hết bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền những lợi ích mà chính người dân nhận được khi tham gia công tác này.

Thục Quyên

Theo Báo pháp luật Việt Nam

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,199

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]