Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 12, đại biểu Dương Trung Quốc cứ tiếc mãi là ông bấm nút chậm nên bỏ lỡ cơ hội (mà ông nghĩ là cuối cùng) để chất vấn thủ tướng, bởi lúc đó ông đã là đại biểu nhiệm kỳ thứ hai.
Thế nhưng, lịch sử đã rất "sòng phẳng" với nhà nghiên cứu lịch sử có trách nhiệm này, khi trao cho ông thêm một cơ hội. Ông đã được đề cử bởi cơ cấu dành cho người ngoài Đảng, và được cử tri bầu lại, bởi vai trò của ông trong hai nhiệm kỳ trước được họ đánh giá là hiệu quả. Và như vậy, ông lại có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi cho chính người ông tưởng đã bỏ lỡ chất vấn ở lần trước.
Câu hỏi đầu tiên của đại biểu Quốc liên quan đến nhận định của một bài báo trên tờ nhật báo kinh tế - tài chính uy tín hàng đầu của Nhật Bản là Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) là "Không có một nước Đông Nam Á nào, ngoài Việt Nam, lại bị cuốn sâu vào nền kinh tế Trung Quốc như vậy." Ông Quốc muốn hỏi rằng "nhận định của tờ báo Nhật Bản ấy theo Thủ tướng có đáng tin không, và chính phủ đã và sẽ làm gì để chúng ta vừa khai thác được nguồn lực tích cực trong hợp tác làm ăn với Trung Quốc mà không rơi vào sự lệ thuộc?"
Chắc phải tới kỳ họp cuối năm, ông Quốc mới có thể nêu câu hỏi này. Tuy nhiên, theo người viết, bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phần nào trả lời câu hỏi đó. Mặc dù, theo cách gián tiếp.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tập trung giải quyết các đột phá chiến lược, tạo tiền đề tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Thủ tướng phát biểu nhậm chức. Ảnh Lê Anh Dũng |
Xét cho cùng, quyết tâm tái cấu trúc một nền kinh tế và thay đổi một mô hình tăng trưởng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thô và gia công ở trình độ thấp, chính là cách bài bản nhất dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hoá chất lượng thấp từ Trung Quốc, cũng như cái thị trường chỉ khuyến khích việc xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm thô, với hàm lượng giá trị gia tăng thấp.
Ông Dũng nói: "Để tạo tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ này, Chiến lược xác định phải đột phá vào ba khâu yếu, hiện đang là những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển và nếu giải quyết tốt các khâu này sẽ tạo xung lực mới có sức lan toả mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững."
Ba điểm nghẽn mà ông xác định là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng - điều mà các chuyên gia và giới doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, đã nêu ngay từ khi ông trở thành phó thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên. Việc cho tới nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình ông Dũng mới chọn ba điểm nghẽn này để tạo đột phá cho thấy chúng, đồng thời, cũng là những thách thức lớn như thế nào. Nhất là thể chế - tiền đề cho hai đột phá còn lại.
Câu thứ hai mà đại biểu Quốc định hỏi lần trước là: "Thưa Thủ tướng, trong khi thực thi quyền năng của mình, có lúc nào ông thoáng tự hỏi: mình sẽ để lại dấu ấn gì trong lịch sử, hoặc rồi đây lịch sử sẽ viết về mình như thế nào?".
Người viết tin rằng chắc chắn ông sẽ hỏi. Nhưng vấn đề là thời điểm nào, người viết tò mò.
Thời điểm kỳ họp quốc hội cuối năm nay chưa hẳn đã phù hợp. Bởi, những gì Thủ tướng và Chinh phủ của ông làm được trong 5 năm tới sẽ là một câu trả lời rõ ràng nhất. "Nói trước bước không qua", các cụ bảo vậy.
Hơn nữa, ông Nguyễn Tấn Dũng có một thuận lợi rất lớn, cũng như hầu hết các nguyên thủ ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, để lặng lẽ để lại "dấu ấn" của mình, là có cơ hội tốt nhất và không gian rộng rãi nhất để hoàn thiện các mục tiêu chính sách của mình. Ông không phải lo lắng về chuyện tái cử.
Như vậy, người viết chỉ cầu mong, trong 5 năm tới, nhà sử học kiêm đại biểu Dương Trung Quốc, người thỉnh thoảng vẫn thấy mặc quần soóc đi đi xe đạp ngoài phố với chiếc cần câu kẹp vào booc-ba-ga, cố giữ gìn sức khoẻ. Để kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13 thật "nhanh mắt, nhanh tay" mà bấm nút.