Đông đảo báo chí trong và ngoài nước tham dự buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại họp báo, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.
Theo thông lệ, tại kỳ họp đầu năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Chương trình của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV gồm những nội dung chính là: Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.
Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Về công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng khác, tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 6,5 ngày để xem xét, thảo luận và quyết định về các vấn đề sau: 1. Các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. 2. Về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 3. Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. 4. Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018. 5. Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. 6. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. 7. Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngoài ra, tại kỳ họp này một số báo cáo được gửi cho đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, gồm: Các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (nếu có); các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Báo cáo về kết quả công tác nhân sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước Công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí; việc thực hiện bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; về công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước.
Về công tác thông tin, tuyên truyền tại kỳ họp, theo ông Lê Bộ Lĩnh, để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội sẽ bố trí 12 phiên họp toàn thể tại hội trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Kênh thời sự (VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc hội và Hệ Thời sự-Chính trị-Tổng hợp (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam, đó là: 1. Phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp. 2. Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. 3. Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. 4. Về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. 5. Về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc vào ngày 22/5/2017 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày (không kể ngày nghỉ) và Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 21/6/2017.
Tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi nhiều vấn đề mà báo giới quan tâm liên quan đến chương trình, nội dung kỳ họp nhất là công tác xây dựng pháp luật tại kỳ họp; công tác thông tin, tuyên truyền, việc tác nghiệp của báo chí tại kỳ họp...
Nguyễn Hoàng
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ