Ông Abe tin rằng hai khái niệm này sẽ khiến Mỹ quay trở lại với TPP. Chúng ta không thể biết được điều mong muốn của Thủ tướng Nhật có thành hiện thực hay không, nhưng Việt Nam chắc chắn sẽ luôn đi theo hướng đó, tức là “Tự do” và “Công bằng” trong xây dựng mối quan hệ song phương Việt-Mỹ.
TPP và APEC
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Donald Trump mời Thủ tướng Việt Nam đến Mỹ từ 28-31/5/2017, khi Việt Nam đang thực hiện rất tốt các chương trình, hoạt động trong vai trò nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, hay Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng.
Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP không phải vì “tự do” mà Tổng thống Donald Trump muốn “công bằng” cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Trong thương mại hay buôn bán, các bên luôn đi tìm sự sòng phẳng, hai bên cùng có lợi. Nước Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu hấp dẫn của các nước, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. TPP là châu Á-Thái Bình Dương, APEC cũng là châu Á-Thái Bình Dương, cũng đi tìm các giá trị kinh tế tương tự.
Nhưng Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới nên luôn có cảm giác bị vượt lên, bị “đối xử không công bằng” cũng là điều dễ hiểu trong thế kỷ 21, khi mà những chàng tí hon David hoàn toàn có khả năng cạnh tranh “công bằng” với những gã khổng lồ Goliah. Song, cũng là không công bằng nếu gã khổng lồ Goliah cạnh tranh với những chàng tí hon David theo những tiêu chuẩn của mình.
Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến những nghịch lý đại loại như sự trỗi dậy của các công ty nhỏ, các nền kinh tế nhỏ, bất chấp sự tiếp tục mở rộng quy mô của các công ty lớn, các nền kinh tế lớn.
Không phủ nhận rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đã có một lịch sử cay đắng, nhưng như Nhật Bản trước đây, Việt Nam đang trở thành đối tác mới nổi, đáng tin cậy của Mỹ. Ông Lương Văn Tự, cựu Thứ trưởng Thương mại Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, từng nói: “Tính cách con người Việt Nam và người Mỹ có điểm giống nhau là cởi mở và rất thực tế. Lịch sử cũng rất lạ. Ít quốc gia nào trên thế giới mà tuyên ngôn độc lập lại trích một đoạn của tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ như Việt Nam. Hoa Kỳ cũng là quốc gia có số lượng Việt Kiều đông nhất thế giới. Tôi đi dự nhiều hội nghị quốc tế, đoàn Việt Nam luôn ngồi cạnh đoàn Hoa Kỳ. Mặc dù lúc đó quan hệ chưa như bây giờ. Đoàn Việt Nam và đoàn Hoa Kỳ nhiều lúc chỉ chào và bắt tay xã giao rồi thôi. Dù muốn hay không muốn thì theo vần ABC, chúng ta cũng ngồi bên nhau”.
Thành tựu Việt-Mỹ về kinh tế
Tuy vậy, kinh tế vẫn là kết quả rõ nhất và thuyết phục nhất khi Việt Nam và Hoa Kỳ tái lập bang giao vào năm 1996. Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thế Du, một cựu sinh viên Harvard với học bổng Fulbright cho rằng chính sự tái lập bang giao Việt-Mỹ đã mở ra “thời kỳ hoàng kim” cho phát triển kinh tế Việt Nam. “Cho dù bị ảnh hưởng của khủng khoảng tài chính trong khu vực vào năm 1997-1998, nhưng giai đoạn từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến khi ký hiệp định thương mại song phương (1995-2001) là giai đoạn hoàng kim lần thứ nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng giao thương của Việt Nam kể từ sau đổi mới 1986.”
Quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ không ngừng tăng trưởng, từ 15 tỷ USD năm 2008 tăng lên 52 tỷ USD năm 2016. Năm 2016, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2015. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn ExxonMobil đã ký Thỏa thuận khung phát triển dự án và Thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá voi Xanh với tổng giá trị khoảng 10 tỷ USD, dự kiến góp phần đưa Hoa Kỳ trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.
Hiện nay, Hoa Kỳ xếp thứ 8 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Giáo dục
Nhưng theo chúng tôi thành tựu sâu sắc và chiến lược nhất trong bang giao Việt Mỹ, chính là giáo dục.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngay khi còn bị cấm vận, các tổ chức nhân dân Hoa Kỳ đã cấp học bổng cho người Việt Nam, trong đó có cán bộ nhà nước.
Vào những năm tháng rất khó khăn trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, vẫn có một học bổng đẳng cấp cao là VEF (Vietnam Education Fund) dành cho những sinh viên ưu tú của Việt Nam. Dù làm việc ở đâu trên thế giới nhỏ bé này, những hạt giống trí tuệ Việt Nam đó, sẽ là một minh chứng lặng lẽ và hùng hồn, cho mối quan hệ vừa cởi mở và vừa thực tế Việt-Mỹ.
Dưới nhiều hình thức khác nhau, giáo dục Hoa Kỳ với những giá trị toàn cầu và nhân văn, đã tác động vào nhiều lãnh vực ở Việt Nam.
Theo báo cáo của “The University World News” ngày 25/5/2017, với 28.883 sinh viên đang học tập tại Mỹ, Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản, chỉ xếp thứ ba sau Ấn Độ (20,7%) và Trung Quốc (19,4%) về số lượng sinh viên du học tại Mỹ.
Năm 2009, con số này mới ở vị trí thứ 8 với 15.994 sinh viên cho đến cuối năm 2015.
Điều thú vị là có 54,7% sinh viên Việt Nam học tập ở Hoa Kỳ là nữ và 45,3% nam.
Đây sẽ là một nguồn lực vô giá cho tương lai và sẽ là nhân tố đóng góp tích cực vào mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ.
Họ sẽ góp phần hiện thực hóa “giấc mơ Việt Nam”.
Tổng thống Obama, đã đến Việt Nam năm 2016 và tuyên bố Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đó là cụ thể hóa của quan hệ Việt Mỹ đã trở nên toàn diện.
Điều phải đến đã đến.
Tổng thống Donald Trump sẽ đến Việt Nam năm nay (2017) sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hy vọng rằng quan hệ song phương Việt Mỹ không chỉ ấm lên cho Việt Nam hay cho Hoa Kỳ, mà cho cả vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ bàn về TPP. Những gì phải đến sẽ tiếp tục đến, miễn là tất cả các bên đều cảm thấy được “Tự do” và “Công bằng.”
Trần Ngọc Châu
Phó Chủ tịch Hội Việt-Mỹ TPHCM
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ