12/12/2011 14:27 PM

Một trong những vấn đề quan trọng trong sửa đổi Hiến pháp 1992 là phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa ra những giải pháp phát huy tính hiệu quả của hệ thống chính trị, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong NNPQ, đảm bảo nguyên tắc “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”...

Hiến pháp là đạo luật duy nhất điều chỉnh mối quan hệ quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước, chủ yếu là giữa các cơ quan Nhà nước cao nhất. Thông qua việc điều chỉnh ấy Hiến pháp xác lập chính thể nhà nước, mô hình tổ chức và cơ chế thực thi quyền lực nhà nước.

Ở nước ta, các qui định của Hiến pháp về tổ chức quyền lực nhà nước, ngay cả với Hiến pháp 1992 (sửa đổi) còn chưa đầy đủ, mô hình tổ chức quyền lực chưa được minh định, cơ chế thực thi quyền lực Nhà nước - nhìn dưới góc độ kỹ thuật còn chưa chặt chẽ, thiếu hợp lý.

Trong khi đó, việc cải cách bộ máy Nhà nước những năm qua chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, khoa học tổ chức và quản lý, không dựa vào khoa học tổ chức quyền lực, phân công lao động quyền lực. Việc tổ chức, cải cách bộ máy Nhà nước như vậy không phù hợp với đặc trưng của Nhà nước là một tổ chức quyền lực đặc biệt, bộ máy Nhà nước là những cơ quan công quyền, hoạt động dựa trên quyền lực được phân công và nhằm thực thi quyền lực, từ đó tác động, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, sinh hoạt của người dân. Đây chính là một trong những lý do dẫn đến nhiều hạn chế về chất lượng bộ máy, một bộ phận công chức bị tha hóa bởi quyền lực.

Đã có nhiều học giả, chuyên gia pháp lý nghiên cứu về vấn đề này và đưa ra những quan điểm khoa học, đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đáp ứng theo yêu cầu xây dựng NNPQ XHCN.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên UB sửa đổi Hiến pháp 1980 và 1992: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để tiến hành sửa đổi Hiến pháp

 

 

Tôi rất đồng tình với việc sửa đổi Hiến pháp 1992 vì qua 20 năm, có rất nhiều vấn đề đặt ra mà chúng ta gọi là “bức xúc”, phải giải quyết. Qua 25 năm đổi mới, chúng ta có nhiều thành quả, nhiều tiến bộ, nhưng còn nhiều tồn tại. Chúng ta không thỏa mãn, không tự cao, tự đại, không ngạo mạn như Lenin nói là “một căn bệnh nguy hiểm nhất của người cộng sản là kiêu ngạo cộng sản”. Tôi hy vọng, tin tưởng và mong muốn rằng, Đảng ta, chúng ta phải khiêm tốn, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để tiến hành sửa đổi Hiến pháp lần này. May ra chúng ta mới hy vọng tạo được bước chuyển biến mới.

Tôi cho rằng có nhiều vấn đề đặt ra khi sửa đổi Hiến pháp lần này. Trước hết phải đi vào từng nội dung cụ thể với mấy vấn đề lớn đặt ra: Một là, thể chế chính trị và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng. Hai là, vấn đề kinh tế, trong đó có vấn đề hàng đầu là vấn đề đất đai...

Ông Bùi Ngọc Sơn - Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội): Phạm vi quyền của Chính phủ sẽ được xác định bằng quyền của Quốc hội

 

Sửa đổi Hiến pháp 1992 cần cụ thể hóa nguyên tắc phân công các quyền “lập pháp, hành pháp, tư pháp” trong các qui định về bộ máy Nhà nước. Theo đó, cần xác định cụ thể cơ quan nào là cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp.

Khi Điều 2 của Hiến pháp chủ trương phân công quyền lực giữa hai ngành lập pháp và hành pháp thì trước tiên cần phải liệt kê phạm vi cụ thể của quyền lập pháp và quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội, chỉ ra những vấn đề gì nhất thiết phải được điều chỉnh bằng luật của Quốc hội, những chính sách, những dự án, những kế hoạch như thế nào thì nhất thiết phải được quyết định bởi Quốc hội.

Trên cơ sở phạm vi quyền lực của Quốc hội được xác định, quyền của Chính phủ từ đó cũng trở nên rõ ràng hơn. Một hạn chế dễ nhận thấy là Hiến pháp nước ta liệt kê nhiều điều mục về thẩm quyền của Chính phủ nhưng không thể đầy đủ. Chính phủ điều hành xã hội trong khi xã hội biến chuyển thường xuyên nên liệt kê thẩm quyền của Chính phủ dẫn đến khả năng thiếu ổn định của Hiến pháp, phải thay đổi thường xuyên.

Nên đối với Chính phủ, chỉ cần xác định là cơ quan hành pháp quốc gia, có chức năng hoạch định và điều hành chính sách là đủ. Phạm vi quyền của Chính phủ sẽ được xác định bằng quyền của Quốc hội để đảm bảo đầy đủ các quyền thuộc phạm vi hành pháp của Chính phủ mà không tạo ra một Chính phủ không có giới hạn.

TS.Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Cần cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước

 

Cần bổ sung ba từ “và kiểm soát” vào Điều 2 Hiến pháp 1992 để “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Đây là nội dung bổ sung rất quan trọng đã được Đảng ta khẳng định vì khi đã có sự phân công các cơ quan Nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì phải có sự kiểm soát các cơ quan thực hiện những quyền đó mới bảo đảm được quyền lực Nhà nước là thống nhất, mới tránh được tình trạng vượt quyền, lạm quyền và bảo đảm cho bộ máy Nhà nước hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ.

Khi sửa đổi Hiến pháp cần nghiên cứu xác định rõ “các cơ quan Nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2) là những cơ quan nào, đồng thời phải qui định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan đó, có ghi nhận quyền kiểm soát đối với hai cơ quan thực hiện hai quyền lực khác.

Bao trùm hơn, chúng tôi đề nghị thành lập một cơ quan kiểm soát chung đối với các cơ quan Nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để bảo đảm tính hợp hiến trong hoạt động và cũng là để đề phòng sự nể nang, tránh né trong việc kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan này. Do đó, chúng tôi đề nghị bổ sung các qui định về cơ quan bảo hiến vào Hiến pháp 1992 trong sửa đổi lần này cũng là nhằm thực hiện chủ trương của Đảng.

Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ một yrong những nguyên tắc cơ bản của công cuộc xây dựng NNPQ ở nước ta là đề cao và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp - đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Những hành vi vi phạm Hiến pháp phải được phát hiện, và ngăn chặn, khắc phục kịp thời thì mới phát huy đực vai trò của Hiến pháp trong đời sống xã hội. Ngược lại sẽ gây ra tác động khôn lường.

TS.Hoàng Thị Ngân - Văn phòng Chính phủ: Giải quyết triệt để về chế định chính quyền địa phương

 

Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (1994 và 2003) đã đặt cơ sở pháp lý cho việc xây dựng chính quyền địa phương theo cơ chế mới và trong tinh thần hoàn thiện bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, có thể thấy cách tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta mặc dù theo những đặc thù riêng, song còn chứa đựng nhiều hạn chế như đã tạo ra một hệ thống cơ quan chính quyền địa phương rập khuôn, cứng nhắc, không phân biệt được sự khác nhau trong quản lý hành chính Nhà nước ở đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo và cũng không bảo đảm được tính tập trung cao từ TƯ xuống địa phương.

Với mục đích tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương, các chủ trương của Đảng về tổ chức hợp lý chính quyền địa phương đã được thể chế hóa, trong đó có hình thức thí điểm. Kết quả thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là căn cứ quan trọng để nghiên cứu và hoàn thiện khi sửa đổi Hiến pháp lần này. Đây là thời điểm đưa ra phương án giải quyết triệt để một số vấn đề: nguyên tắc mối quan hệ giữa TƯ và địa phương, phân chia đơn vị hành chính – lãnh thổ, mô hình chính quyền địa phương.

Sửa đổi Hiến pháp lần này là dịp nghiên cứu xác định hai cấp chính quyền địa phương hoàn chỉnh, nơi tổ chức cả HĐND và UBND là những cơ quan có chung chứng năng tổ chức thi hành pháp luật. Những công việc của địa phương do HĐND quyết định sẽ được thực hiện theo qui định của Hiến pháp và Luật. Bên cạnh đó, các biện pháp thực hiện dân chủ trực tiếp phải đựơc qui định một cách thiết thực để đảm bảo quyền của người dân trong việc quyết định các vấn đề của địa phương, cộng đồng.

Xuân Hương (ghi)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,160

Chính sách mới
Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]