Đây là đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và một số đại biểu tại phiên thảo luận về giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, ngày 13/12.
Nhiều văn bản chồng chéo, sao chép
Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng thảo luận về giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND. Theo kết quả giám sát của UBTVQH, trước khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được ban hành năm 2004, mỗi địa phương tự xây dựng một quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL, ảnh hưởng đến chất lượng văn bản và thiếu cơ sở pháp lý trong quản lý nhà nước, nhiều nội dung “sao chép” nguyên văn từ văn bản cấp trên, văn bản không đúng thẩm quyền… Kết quả kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản QPPL của 9 địa phương cũng thể hiện điều đó.
Nói về hậu quả việc ban hành văn bản không đúng quy trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mặc dù chưa xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đến tính mạng của người dân, nhưng có những địa phương ban hành văn bản chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng người dân đi khiếu kiện. Ông Giàu cũng tỏ ra băn khoăn khi chính quyền cấp xã hầu như không ban hành văn bản QPPL, trong khi quyền hạn là có. “Trong 4 - 5 năm tôi ở địa phương chưa nghe nói xã ban hành văn bản nào, chỉ trông chờ cấp trên. Phải chăng chính quyền cấp xã chưa nâng cao năng lực, thể hiện trách nhiệm của chính quyền cấp xã đối với nhân dân?”, ông Giàu nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Như Ý. |
Chất vấn tại Quốc hội chưa “đi đến cùng”
Sáng cùng ngày, UBTVQH cũng thảo luận, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII. Theo nhiều ý kiến, Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII vừa kết thúc. Đáng chú ý, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến, đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, tập trung vào các nhóm vấn đề bức xúc của cuộc sống, mang tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng kỳ họp vẫn còn những điểm hạn chế, cần đánh giá đúng. Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng nếu nhìn lại kỳ họp, có những vấn đề chưa phải là “tranh luận thật sự” và “chưa đi đến cùng”. “Giá xăng dầu, hai Bộ trưởng cùng trả lời, nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ kinh doanh xăng dầu lỗ hay lãi. 5 Bộ trưởng đã trả lời, có bao nhiêu vấn đề đi đến cùng?”, bà Mai nói.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước bổ sung, có những vấn đề các vị Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục, tính tranh luận, đối thoại chưa cao. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng nên bố trí mỗi bộ trưởng trả lời chất vấn trong một buổi là phù hợp, nội dung trả lời phong phú. Riêng Thủ tướng có thể bố trí riêng một buổi. “Sau kỳ họp, cử tri cho biết họ mong muốn chất vấn phải làm rõ từng vấn đề, tránh hỏi một lần nhiều câu hỏi, rồi bộ trưởng trả lời nhiều câu hỏi cùng một lần, cử tri rất khó nắm bắt được vấn đề”, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết.
Thông qua Luật Biển Việt Nam tại kỳ họp thứ 3 Sáng cùng ngày, UBTVQH thảo luận về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII. Theo đó, dự kiến QH sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ 2, ngày 21/5/2012 và bế mạc vào ngày 21/6/2012 (QH làm việc chính thức 24 ngày). Tại kỳ họp, QH sẽ dành khoảng 15 ngày để thảo luận và thông qua một số dự án luật như: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền; Bộ luật lao động (sửa đổi)… Đặc biệt, tại kỳ họp này, QH cũng dự kiến thông qua Luật Biển Việt Nam. Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, dự án luật này đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII và được đưa vào chương trình thông qua của Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII nên Văn phòng QH dự kiến bố trí trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp tới. |
Mạnh Đồng