04/01/2012 10:31 AM

TT - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định như vậy khi nói về chủ trương thu phí lưu hành ôtô, xe máy và phí ôtô vào trung tâm giờ cao điểm do bộ đề xuất lên Chính phủ, tại cuộc họp báo của Bộ GTVT chiều 3-1.

Ông Đinh La Thăng tại buổi họp báo - Ảnh: TUẤN PHÙNG

* Tuổi Trẻ: Thưa bộ trưởng, hiện nay ôtô và xe máy đã chịu nhiều loại phí. Quỹ bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT đã trình Chính phủ cũng có phương án thu phí bảo trì đường bộ theo đầu ôtô và xe máy. Người dân lo ngại một phương tiện chịu quá nhiều loại phí?

- Phí lưu hành và phí bảo trì đường bộ hoàn toàn khác nhau. Phí bảo trì bảo dưỡng dùng duy tu sửa chữa đường. Quỹ bảo trì nếu được ban hành chỉ đáp ứng 70-75%, còn lại ngân sách duy tu sửa chữa vẫn chi 25-30%. Việc thu phí lưu hành có hai mục tiêu: giảm phương tiện cá nhân và dùng tiền thu phí đầu tư cho cải tạo, nâng cấp hạ tầng và giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn. Đây là các giải pháp kinh tế quan trọng mà các nước đã làm rất lâu rồi. Nhiều nước như Anh, Thụy Điển còn áp dụng thu phí tắc nghẽn giao thông.

Đây là giải pháp để đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Bởi những người đi ôtô, xe máy phải nộp phí để cùng Nhà nước đầu tư tái tạo hạ tầng giao thông. Người nghèo đi bằng phương tiện công cộng. Còn người có tiền đi xe máy, ôtô phải đóng góp để đầu tư hạ tầng.

Cũng có ý kiến xe máy dành cho người nghèo nhưng với xe máy chúng tôi chỉ đề xuất thu 500.000 đồng/xe/năm với xe dưới 175 phân khối. Như vậy, mỗi tháng thu chưa đến 50.000 đồng. Còn loại xe trên 175 phân khối hầu chỉ dành cho người chơi bời thôi. Người bình thường không đi loại xe đó.

* Tuổi Trẻ: Theo bộ trưởng, thu phí lưu hành đến bao lâu thì giảm được ùn tắc và tai nạn giao thông? Nếu không giảm có trả lại tiền cho người dân không?

- Hỏi có hết được tai nạn không thì câu hỏi này rất khó. Cuộc sống còn phát triển, còn đi lên thì còn tai nạn giao thông. Bao giờ Trái đất ngừng quay mới hết tai nạn giao thông. Những nước như Mỹ, Anh tiên tiến hiện đại như vậy nhưng chưa bao giờ người ta khẳng định hết tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cả. Nhiều nhà báo nói giải pháp này không đồng bộ thì đúng nhưng phải chờ mới có giải pháp đồng bộ, mà chờ không bằng hành động. Cho nên thông điệp của Thủ tướng và ngành giao thông trong Năm an toàn giao thông 2012 là “Hành động, hành động và hành động”. Quan điểm của Bộ GTVT là hành động khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả.

* Tuổi Trẻ - Lao Động: Hiện nay phương tiện công cộng chưa đáp ứng đủ, nếu thu phí lưu hành thì người dân vẫn chấp nhận đóng phí và đi xe máy. Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp thu phí lưu hành chỉ tăng nguồn thu chứ chưa giảm ùn tắc. Bộ trưởng nghĩ thế nào?

- Thu phí lưu hành phương tiện cũng là một phần chống ùn tắc, hạn chế tai nạn. Cùng với nó, Chính phủ, ngành giao thông tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đầu tư phương tiện vận tải công cộng.

* Tuổi Trẻ: Nhiều bạn đọc hỏi nếu bộ trưởng có thu nhập 3 triệu đồng/tháng, đi xe máy rẻ tiền bộ trưởng có nộp phí lưu hành không?

- Bản thân tôi sẵn sàng nộp.

* Sài Gòn Tiếp Thị: Khi mới nhậm chức, bộ trưởng có nói việc giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông không phải như ra đường nhìn thấy một cô gái đẹp mặc áo gì thì về mua cho vợ mà phải làm tùy theo tình hình của mình. Bộ trưởng nói nghiên cứu kinh nghiệm các nước thu phí để hạn chế xe cá nhân. Các nước hạ tầng tốt hơn Việt Nam, bộ trưởng áp dụng cách của họ có hợp lý không?

- Cái đó là tham khảo chung các nước thế giới chứ không áp dụng máy móc. Chúng tôi có xem xét từng điều kiện một, tham khảo những giải pháp của họ để áp dụng. Kể cả họ có áp dụng cái đó vẫn có ùn tắc, vẫn tai nạn chứ không hết hoàn toàn nhưng sẽ có những hạn chế, giảm thiểu được.

* Nông Thôn Ngày Nay: Hiện nay việc cháy nổ xe máy, ôtô xảy ra rất nhiều nhưng chưa cơ quan nào chịu trách nhiệm?

- Sau khi có các vụ cháy xe máy, chúng tôi yêu cầu Cục Đăng kiểm báo cáo làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Đúng là hiện nay không thuộc ai cả, chứng tỏ có một khoảng trống về pháp luật. Chúng tôi có giao Cục Đăng kiểm từ năm 2012 trở đi đã cháy ôtô, xe máy là phải có người chịu trách nhiệm. Mà ngành GTVT là cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm, cụ thể là Cục Đăng kiểm. Cục Đăng kiểm phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để xác định rõ trách nhiệm đăng ký, đăng kiểm, kiểm soát phương tiện khi sản xuất thế nào, lưu hành thế nào. Chúng ta không mong muốn cháy nổ xảy ra nhưng khi xảy ra cần phải có một chỗ để chịu trách nhiệm.

TUẤN PHÙNG

Sau khi xảy ra các vụ cháy nổ xe, chúng tôi đã đề nghị ngành công an cung cấp thông tin khi có cháy xe để có giải pháp. Hai là cần tăng cường quản lý với cơ sở bảo hành, sửa chữa. Cần quy định tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, nhất là đại lý của các hãng lớn. Cuối cùng là ban hành thêm các tiêu chuẩn chống cháy của vật liệu lắp trong ôtô xe máy.

Chúng tôi lấy từ Viện Khoa học hình sự số liệu cháy nổ như sau:

- Với xe máy: nguyên nhân hình sự có một xe (chiếm 2,3%), chập điện năm xe (11,6%), va chạm hai xe (4,6%), cháy tại khu để xe có ba xe (6,9%), cố ý đốt xe một vụ, chưa rõ nguyên nhân 31 vụ (72%).

- Với ôtô: chập điện ba xe (6%), va chạm: hai xe chiếm 4%, tiếp xúc vật dễ cháy bốn xe (8%), để tại khu để xe có 14 (28%), nghi ngờ đốt xe có hai xe (4%), còn lại chưa rõ nguyên nhân.

Ông Trịnh Ngọc Giao (cục trưởng Cục Đăng kiểm VN)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,103

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]