02/01/2012 08:20 AM

TT - Nhận định năm 2012, nhiều chuyên gia cho rằng cần có nhiều cải cách mạnh mẽ để nền kinh tế phát triển trong bối cảnh chung vẫn còn không ít khó khăn.

* GS.TSKH Nguyễn Mại (nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư):

Ông Nguyễn Mại - Ảnh: C.V.K.
Đổi mới cách điều hành

Có nhiều đánh giá khác nhau về năm 2012 nhưng trước khi nói về những ngày tháng sắp tới, chúng ta không thể không nhìn lại năm 2011. Năm qua, điều mà các nhà hoạch định chính sách cần thấy là lạm phát vẫn cao, tăng trưởng lại thấp so với nhiều nước trong vùng. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy lạm phát của VN đã cao hơn gấp ba lần tăng trưởng, trong khi tăng trưởng lại không đạt dự kiến - chỉ đạt khoảng 5,9%. Đến tháng 9-2011, có gần 50.000 doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động. Thị trường chứng khoán chao đảo, nhiều đại gia phải “thở oxy”. Tôi cho rằng những yếu tố này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năm 2012.

Năm nay, theo tôi sẽ rất khó cho đột phá nếu chúng ta không quyết tâm thực hiện đúng tinh thần Hội nghị trung ương 3 đã đề ra về tái cơ cấu nền kinh tế. Thực tế, môi trường kinh doanh của VN được thế giới đánh giá không cao.

Phòng Thương mại và công nghiệp VN rà soát 16 luật liên quan đến kinh doanh cũng thấy rất nhiều điều còn cản trở. Việc “chấm điểm” các bộ qua chỉ số MEI cũng thấy không bộ nào vượt mức trung bình. Nếu cứ như thế, không quyết tâm cải cách một cách toàn diện, tôi lo rằng rất khó có thể giải quyết hết được những khó khăn của năm 2011 chuyển sang, dù Thủ tướng đã thể hiện rất quyết tâm như giảm lạm phát xuống 9%, rồi tăng trưởng 6-6,5%.

Tôi cho rằng đã đến lúc cần nhận ra những đổi mới về kinh tế và cải cách cả hệ thống bộ máy nhà nước. Không đổi mới cách điều hành sẽ khó có thể đổi mới và nâng cao hiệu quả các lĩnh vực khác.

* TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN):

Kéo giảm lạm phát

Năm 2012, điều kiện cho tăng trưởng, phát triển kinh tế rõ ràng khó hơn. Ngoài việc thế giới tiếp tục bất ổn, “sức khỏe” của doanh nghiệp, sau nhiều năm chống chọi với khó khăn, hết suy giảm rồi lạm phát, đã yếu đi nhiều. Số doanh nghiệp phá sản tăng, số thu hẹp sản xuất chưa có thống kê nhưng theo tôi cũng lớn. Lãi suất hiện nay cũng không thể nói ở mức tốt cho sản xuất. Trong khi đó, giá một số loại hàng hóa quan trọng như điện, than, xăng dầu... khó giữ tiếp ở mức như hiện nay. Lạm phát sẽ tiếp tục là thách thức năm 2012.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2012 phải tăng trưởng 6-6,5%, tức cao hơn cả năm 2011. Cùng việc này, Chính phủ lại tính giảm tổng vốn đầu tư. Vậy phải làm gì để đạt được cả hai? Theo tôi, phải có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả đầu tư. Muốn vậy, cách thức cơ bản là thay đổi phân bổ nguồn lực. Cần có biện pháp thật sự để khu vực tư nhân được tiếp cận nguồn lực tốt hơn và nhiều hơn.

Một điểm nữa cần chú trọng chính là chủ trương kéo lạm phát xuống 9%, nên nhận thấy đây vẫn là mức cao, lãi suất cho vay vẫn ở mức 15-16%. Vì vậy, cần đưa ra mục tiêu cụ thể, kéo lạm phát xuống 5-6% để lãi suất chỉ khoảng 10-12%.

* Ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính):

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Ảnh: C.V.K.
Có thể thuận lợi hơn năm trước

Tôi cho rằng năm 2012 kinh tế thế giới sẽ còn thách thức nhưng cũng không quá lớn. Trong nước chúng ta đã bước đầu kiểm soát được lạm phát, ngoài một số ngành như bất động sản, chứng khoán, vật liệu xây dựng... có thể vẫn khó khăn, tình hình nói chung có thể thuận lợi hơn năm 2011.

Vì sao tôi lại nhận định như vậy? Có thể nói dù sao xuất khẩu của VN vẫn tăng rất mạnh, một số mặt hàng xuất khẩu như linh kiện, điện thoại vẫn hứa hẹn, nguồn thu ngoại tệ tăng nên áp lực lên tỉ giá cũng sẽ giảm. Năm 2012 nếu điều hành tốt, tôi cho rằng hoàn toàn có thể kéo lãi suất cho vay về mức 15%, thậm chí là 12%/năm.

Tôi nghĩ Chính phủ cần lắng nghe hơn, cần tập trung lo an sinh cho người nghèo. Nhiều vấn đề không nhất thiết phải chi tiền, như nhà ở cho người thu nhập thấp, nếu làm tốt chính sách tôi cho rằng có thể giảm được 40% giá hiện nay.

* Ông Cao Sỹ Kiêm (nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước):

Ông Cao Sỹ Kiêm - Ảnh: C.V.K.
Tránh dùng nhiều biện pháp hành chính

Quan điểm của tôi năm 2012 có thể còn khó khăn hơn cả năm 2011 nhưng lại là năm hi vọng của sự cải cách. Có bốn vấn đề lớn cần quan tâm trong năm 2012. Thứ nhất, những trụ cột kinh tế lớn của thế giới còn chứa ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến VN. Thứ hai, lạm phát, nợ xấu... mới ở mức dừng lại, vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn và gây áp lực lớn đến các biện pháp điều hành. Thứ ba, thực hiện chủ trương hạn chế đầu tư công và tái cơ cấu nền kinh tế, ngay cả khi nó được thực thi nghiêm túc, trong thời gian đầu chúng ta sẽ phải trả giá nhiều hơn là thu được thành tựu. Thứ tư, vấn đề lòng tin, sự hăng hái kinh doanh, các động lực cho phát triển đã suy giảm, người dân khi kinh doanh có tâm lý chờ xem chuyển biến thế nào.

Bốn vấn đề trên đòi hỏi Chính phủ phải nhanh nhạy và quyết liệt trong điều hành. Tôi cho rằng điều hành cần nhất quán hơn và việc đưa ra chính sách cũng cần sát thực tiễn hơn, tránh dùng quá nhiều các biện pháp hành chính. Kỷ cương điều hành cũng phải siết lại để tránh cho được việc mỗi nơi thực hiện một kiểu, nói rất hay nhưng không thấy làm hoặc làm không đúng như nói.

Tôi nhấn mạnh chủ trương kiềm chế lạm phát cần được kiên trì. Nếu lạm phát bùng trở lại thì sẽ thổi bay những thành quả ta vừa đạt được và cả những hi sinh trong giai đoạn chống lạm phát.

* TS Lê Đăng Doanh (nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng):

Ông Lê Đăng Doanh - Ảnh: C.V.K.
Cơ hội để cải cách

Tôi cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế với việc cấu trúc lại, thu gọn hệ thống doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Khó khăn là cơ hội để cải cách. Doanh nghiệp VN năng động, tôi tin họ có thể mở ra các thị trường mới để phát triển. Trước mắt, doanh nghiệp cần đề ra các chương trình hành động có thứ tự ưu tiên với chiến lược “đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc” trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược lâu dài.

Về vĩ mô, tôi cho rằng kinh tế VN đang ở ngã ba đường. Nếu tái cơ cấu và cải cách mạnh sẽ phát huy được tiềm năng của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và tăng trưởng bền vững. Nếu không, có nguy cơ rơi vào trì trệ và lạm phát. Do đó, Nhà nước không thể hoạt động như cũ mà phải điều chỉnh chức năng của mình. Nhà nước không thể vừa đá bóng lại vừa thổi còi, vừa kinh doanh lại vừa quản lý, vừa sở hữu lại vừa giám sát, vừa ôm đồm những việc sự vụ, vất vả mà vẫn xa thực tế. Nhà nước phải làm tốt chức năng tổ chức hoạt động nền kinh tế, lái thuyền chứ không thể vừa chèo vừa lái, có khi ham chèo, bỏ lỏng lái thuyền.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện

Thay đổi tư duy chính sách

Kinh tế VN năm 2012 đứng trước những cơ hội, thách thức vừa cũ vừa mới đan xen, không dễ dàng vượt qua nếu chúng ta không có tư duy đổi mới thật sự về chính sách, chiến lược để có cách làm khác. Nếu chúng ta không kịp thời nắm bắt cơ hội, thay đổi tư duy, chính sách, có chính sách, biện pháp kinh tế phù hợp thay cho các biện pháp hành chính đơn thuần thì sẽ khó vượt qua những thách thức và đạt được kết quả mong muốn. Cơ hội lớn nhất, bao trùm trong năm 2012 là: ổn định kinh tế vĩ mô, thay đổi tư duy và chính sách.

Mục tiêu của chúng ta trong năm 2012 là kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 18% xuống dưới 10% thật sự là một thách thức lớn, trong khi các điều kiện, yếu tố, giải pháp, chính sách và mọi việc còn đang ở phía trước. Tuy nhiên, giá điện, giá vé máy bay đã tăng có thể tác động cộng hưởng đến việc tăng giá nhiều mặt hàng khác, gây khó khăn cho việc kéo CPI xuống. Có lẽ đây là một trong những thách thức lớn nhất trong năm 2012.

Trong điều kiện lạm phát cao, chúng ta phải siết chặt tín dụng, thi hành chính sách tài chính thắt lưng buộc bụng thì không ai có thể mơ tưởng đến tốc độ tăng trưởng cao nữa, nhưng ngay đến mục tiêu 6-6,5% cũng sẽ là thách thức không dễ dàng vượt qua trong điều kiện những yếu kém của nội tại nền kinh tế.

Vì chưa xác định đúng đắn và hợp lý vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nên chúng ta đã tỏ ra lúng túng trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế của DNNN trong khi ban phát cho nó quá nhiều đặc quyền, đặc lợi. Nếu chúng ta chưa xác định đúng đắn, phù hợp vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế của DNNN thì việc tái cấu trúc DNNN lần này có nguy cơ rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ” như các lần sắp xếp trước đây.

TS PHẠM MINH TRÍ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,892

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]