05/01/2012 11:44 AM

Bên cạnh kết luận của cơ quan điều tra về hành vi "đưa hối lộ" của nhà báo Hoàng Khương (phóng viên báo Tuổi trẻ), một số ý kiến cho rằng những việc anh làm là thâm nhập thực tế để viết bài.

Chiều 2-1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, phóng viên Báo Tuổi Trẻ) về tội “Đưa hối lộ”.

Theo kết quả điều tra cho thấy, Hoàng Khương đã có hành vi “đưa hối lộ” cho Trần Minh Hòa, bạn của Nguyễn Đức Đông Anh - em vợ Hoàng Khương. Hành vi sai phạm của nhà báo này là cố ý, có chủ định từ trước.

Cụ thể, sau khi bị công an quận Bình Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ xe vì hành vi đua xe, Trần Minh Hòa nhờ người tìm cách lấy xe ra sớm nhưng với điều kiện không làm kiểm điểm trước tổ dân phố.

Sau khi nhờ nhiều người giải cứu xe không thành thì Hòa nhờ đến Đông Anh, Đông Anh lại nhờ anh rể. Ngày 25-6, Hoàng Khương đã thông qua Tôn Thất Hòa Tôn (Giám đốc DNTN Duy Nguyên) đưa cho Huỳnh Minh Đức (cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Bình Thạnh) 15 triệu đồng để “giải cứu” chiếc xe của Trần Minh Hòa. Khi Đức không trả lại giấy đăng ký xe, Khương đã lợi dụng cương vị là nhà báo để viết bài, đăng báo, nhằm mục đích ép Đức thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật.

Hoàng Khương (người cầm túi quần áo) chuẩn bị về cơ quan điều tra vào trưa 2-1. Ảnh: Người lao động

Tuy nhiên, sau khi nhà báo Hoàng Khương chính thức bị bắt tạm giam, một số người đã lên tiếng và cho rằng những việc làm của Hoàng Khương là thâm nhập thực tế để viết bài chứ không phải “đưa hối lộ”.

Trên Pháp luật và Xã hội, một nhà báo giấu tên cho rằng, trong quá trình điều tra vụ việc, phóng viên Hoàng Khương đã cố ý hợp tác với những người bị giữ xe để hối lộ cảnh sát Đức. Nhưng xét cho cùng, nếu không làm vậy thì sẽ rất khó để có bằng chứng về việc ông Đức nhận hối lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ ai là người đưa tiền cho ông Đức, ông Khương đưa tiền hay chỉ là người có mặt tại đó.

“Nếu ông Khương trực tiếp đưa tiền cho ông Đức thì đó là hành vi không thể chấp nhận. Cá nhân tôi cho rằng, sử dụng biện pháp mật phục để ghi hình, ghi âm sẽ tốt hơn. Cần phải phân biệt rõ việc PV Hoàng Khương có động cơ gì khi phối hợp với ông Hòa để đưa hối lộ cho ông Đức hay không? Theo tôi, phóng viên Hoàng Khương không phải là người có phương tiện bị tạm giữ nên anh ta chỉ có động cơ là cố gắng lấy bằng chứng về việc ông Đức nhận hối lộ. Nếu PV Hoàng Khương không vờ hợp tác với ông Hòa thì không thể tiếp cận với ông Đức”, nhà báo này nói.
 
Cũng theo nhà báo này, Hoàng Khương là phóng viên nên việc "tố cáo" của Hoàng Khương là viết bài phản ánh vụ việc một cách công khai" chứ không nhất thiết phải tố cáo vụ việc tới cơ quan công an như một số người ý kiến.

Tương tự, luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hòa - Lợi cũng nhận định, phóng viên Hoàng Khương không có động cơ phạm tội. Hoàng Khương đã thâm nhập vụ việc với mục đích chống tiêu cực.

“Một phóng viên khi đi điều tra để viết bài về một tụ điểm đánh bạc chẳng hạn. Để bài viết có hồn, để nhận diện được các mánh khóe của chủ sới, để ghi hình các con bạc để làm bằng chứng, phóng viên phải nhập vai một con bạc. Nếu việc đó đã được báo cáo Ban biên tập thì không thể nói rằng phóng viên đó vào sới để đánh bạc. Nếu Hoàng Khương không báo cáo Ban biên tập thì cũng chỉ là sai sót về qui trình…", luật sư Lợi ví dụ.

Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Anh Dũng, Trưởng văn phòng luật sư Trịnh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, về lý luận pháp lý, chỉ có thể coi một người phạm vào tội đưa hối lộ khi hành vi đưa tiền cho người có chức vụ, quyền hạn của người đó xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức đó bị thoái hóa, biến chất. Còn trong vụ việc này, việc phóng viên Hoàng Khương cùng Trần Anh Tuấn đưa tiền cho Hòa để Hòa đưa cho Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ công an), lấy đó làm tư liệu để viết và đăng các bài báo chống tiêu cực có thể xem là hành động dũng cảm, có tác dụng giúp Công an TP HCM hoạt động đúng đắn hơn, phẩm chất cán bộ được nâng cao, khiến nhân dân thêm tin vào cơ quan quản lý.

Do đó, luật sư Dũng cho rằng "việc làm này của phóng viên Hoàng Khương không có dấu hiệu phạm tội Đưa hối hộ, mà còn cần phải biểu dương như là tấm gương tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống tham nhũng".

Được biết, để tìm hiểu viết tin, bài về một vụ việc hoặc hiện tượng, phóng viên được quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra thu thập thông tin. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chưa có một văn bản pháp luật nào qui định cụ thể phóng viên được sử dụng nghiệp vụ điều tra đến đâu, mà tùy vào tình hình cụ thể, người PV đó hoặc tòa soạn sẽ đưa ra cách thức khai thác thông tin.

Trên Công an nhân dân, ông Mã Diệu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCMS khẳng định, nhà báo có quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra thu thập thông tin, nhưng nếu anh lợi dụng nhiệm vụ được giao, cố tình vi phạm pháp luật và bị phát hiện thì tùy theo mức độ vi phạm cũng phải bị xử lý như bao người khác...

Về việc xử lý hành vi của phóng viên Hoàng Khương, ông Cương cho rằng nó tùy thuộc vào quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan Công an. Vì những thông tin trên báo chưa nêu cụ thể, rõ ràng diễn tiến của vụ việc xảy ra như thế nào nên ông chưa thể nêu quan điểm của mình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, nhà báo có quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra thu thập thông tin, nhưng nếu anh lợi dụng nhiệm vụ được giao, cố tình vi phạm pháp luật và bị phát hiện thì tùy theo mức độ vi phạm cũng phải bị xử lý như bao người khác...

Theo Đất Việt

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,693

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]