“Về cấp độ ưu tiên, thực tiễn nhiều năm cho thấy để đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, không thể không ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu. Nhưng để quá trình tái cơ cấu có thể diễn ra, cần ổn định nền kinh tế để tái lập lòng tin thị trường, lòng tin xã hội. Đây phải là hai mục tiêu - nhiệm vụ ưu tiên cao nhất,” PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ những kỳ vọng của ông về kinh tế năm 2012.
Ông đánh giá thế nào về thực lực của nền kinh tế Việt Nam khi bước vào năm 2012?
Di sản các năm trước để lại là suy giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nặng nề…
Sức khỏe của các doanh nghiệp trong năm vừa qua bị hao hụt nặng nề. Lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thông tin trong 9 tháng đầu năm gần 50.000 doanh nghiệp (9% tổng số) phải đóng cửa, thể hiện tính nghiêm trọng của vấn đề. Đời sống ngày càng khó khăn của dân cư do lạm phát kéo dài và việc làm bị thu hẹp khiến sức mua xã hội bị giảm, lòng tin bị xói mòn.
|
PGS-TS.Trần Đình Thiên. |
Tình thế này khiến cho việc tăng trưởng GDP trong năm 2012 nhìn chung là yếu hơn so với các năm trước, dư địa chính sách để chống lạm phát và ổn định vĩ mô bị thu hẹp đáng kể.
Nếu như vậy thì năm 2012 cần nhấn mạnh điều gì thưa ông?
Năm 2012 có nhiệm vụ khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng. Về nguyên tắc, đó là những nhiệm vụ “thông thường” của một nền kinh tế khi lâm vào tình trạng khó khăn.
Nhưng theo tôi, năm 2012 là năm đặc biệt. Đặc biệt theo nghĩa đây là năm nền kinh tế lâm vào tình thế khó khăn, cũng là năm nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình hình - ổn định vững chắc tình hình (không để lạm phát khứ hồi) để khôi phục lòng tin, hạ thấp mức lạm phát để giúp các doanh nghiệp không lún sâu hơn vào khó khăn.
Ngoài ra, năm 2012 còn có một điểm nhấn đặc biệt khác: tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động thực tế mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng.
Vậy theo ông năm 2012 cần ưu tiên những vấn đề gì để kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn?
Theo tôi, về cấp độ ưu tiên, thực tiễn nhiều năm cho thấy để đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, không thể không ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu. Nhưng để quá trình tái cơ cấu có thể diễn ra, cần ổn định nền kinh tế để tái lập lòng tin thị trường, lòng tin xã hội. Đây phải là hai mục tiêu - nhiệm vụ ưu tiên cao nhất.
Tương ứng, mục tiêu tăng trưởng đương nhiên không phải là mục tiêu ưu tiên, nhưng không phải là “không ưu tiên” ở cấp độ “thông thường” như mấy năm nay, mà phải là “không ưu tiên” với lập trường kiên định.
Tôi nhấn mạnh điều này vì thực tế mấy năm gần đây diễn ra một tình trạng nghịch lý: Mục tiêu ưu tiên (kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, tái cơ cấu) thì thường khó hay không đạt, còn mục tiêu không ưu tiên như tốc độ tăng trưởng GDP thì đạt tương đối dễ dàng. Điều này chứng tỏ mục tiêu tăng trưởng được thực hiện theo một cơ chế mang tính tự động, bản năng, bất chấp các nỗ lực chính sách.
Theo logic, để xoay chuyển thực tiễn thì điều đầu tiên là phải đổi mới tư duy, phải biết đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ở mức ít tham vọng nhất, ít cần được quan tâm nhất, tức là với sự tự giác cao nhất. Để làm được điều này, trong năm 2012 cần gạt bỏ triệt để căn bệnh “nghiện” thành tích tốc độ tăng trưởng. Chính phủ cần coi trọng hơn hệ thống đánh giá năng lực và thưởng phạt căn cứ vào thành tích chống lạm phát và khôi phục lòng tin.
Theo tôi, chúng ta phải bắt tay ngay vào hành động tái cơ cấu thực sự ba lĩnh vực ưu tiên mà Hội nghị Trung ương 3 đã khẳng định (đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại, khu vực doanh nghiệp nhà nước).
Ngoài ra còn một số việc phải làm là cải cách hệ thống lương trong khu vực Nhà nước, coi đây là phương cách quyết định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, do đó, là cách để khôi phục lòng tin của dân.
Bên cạnh cạnh đó cải cách hệ thống ngân sách theo nguyên lý kinh tế thị trường, đẩy mạnh việc thay đổi Luật Đất đai, không để tình trạng Luật Đất đai luôn chạy theo thực tế và cản trở quá trình đổi mới theo hướng thị trường. Tập trung ưu tiên dành vốn Nhà nước để xây dựng 4 khu kinh tế tự do, với thể chế hiện đại, đột phá mở đường cho 4 vùng kinh tế trọng điểm Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Nẵng – Chân Mây và Hải Phòng.
Đó là những yếu tố chính của kịch bản hành động nhằm đạt được kịch bản tăng trưởng với những mục tiêu khiêm tốn hơn về tăng trưởng GDP, song khốc liệt hơn gấp bội về chống lạm phát, ổn định vĩ mô và tái cơ cấu. Nhưng như vậy có nghĩa là muốn đạt được các mục tiêu trên, tạo cơ sở cho sự thay đổi mạnh thì phải dám dùng những biện pháp mạnh, chấp nhận nền kinh tế chịu trả giá, chịu đau mới xoay chuyển căn bản tình hình, tạo lòng tin.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo NDHmoney