Theo kết quả báo cáo giám sát, trong năm năm (2005-2010) các tỉnh, TP và các cấp đã ban hành số lượng văn bản pháp luật khổng lồ: trên 186.000 văn bản.
Đáng ngạc nhiên là HĐND và UBND Hà Tĩnh lại có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành lớn nhất, tới trên 3.500 văn bản; tiếp theo là Bình Dương với 1.251 văn bản, TP.HCM: 1.159, Hà Nội: 1.158, Thừa Thiên - Huế: 1.055 văn bản... Các tỉnh thấp nhất gồm Cao Bằng, Hà Nam, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu... với số văn bản ban hành trong năm năm chỉ từ 86 đến hơn 100 văn bản.
Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng con số này phản ánh thực trạng cùng một chính sách pháp luật như nhau nhưng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương rất khác nhau.
Ít lấy ý kiến dân Theo báo cáo của đoàn giám sát, việc lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu mới dừng ở việc xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, hầu như không lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp. Như UBND TP Đà Nẵng, từ năm 2005-2010 chỉ 66% văn bản của UBND TP tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và chỉ có... một văn bản được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp. |
Theo báo cáo của đoàn giám sát, việc lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu mới dừng ở việc xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, hầu như không lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp. Như UBND TP Đà Nẵng, từ năm 2005-2010 chỉ 66% văn bản của UBND TP tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và chỉ có... một văn bản được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp.
Báo cáo giám sát khẳng định chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp còn hạn chế. Như Bình Dương, tỉ lệ văn bản còn sai sót của cấp tỉnh năm 2005 lên tới 61%, đến năm 2010 vẫn còn tới 13,6%.
Đặc biệt, một số địa phương đã ban hành văn bản trái với quy định của các cơ quan nhà nước cấp trên, gây khó hơn cho dân, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư...
Điển hình: năm 2009, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 58/2009 quy định nếu có diện tích đất dưới 30m2 sẽ không được tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều này hoàn toàn không có quy định trong Luật đất đai và các nghị định của Chính phủ. Hay UBND tỉnh Đồng Nai năm 2010 đã ban hành quyết định quy định phụ cấp tăng thêm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mà không hề có căn cứ pháp lý và cũng không đúng thẩm quyền.
Việc “bẻ cong” quy định của cấp trên thể hiện rõ hơn ở Bến Tre. Cụ thể, trong khi nghị định của Chính phủ quy định chăn nuôi gia súc từ 1.000 con trở lên (hoặc gia cầm từ 20.000 con trở lên) mới phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thế nhưng năm 2008, UBND tỉnh Bến Tre tự đưa ra con số riêng theo hướng hạ tiêu chuẩn, mở rộng đối tượng phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường rất phức tạp này.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, chỉ cần nuôi heo 100 con trở lên, trâu bò từ 500 con trở lên, gia cầm từ 10.000 con trở lên thì phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngoài những đơn vị trên, một số tỉnh còn ban hành những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, trong đó có văn bản biến việc nộp quỹ an ninh, quốc phòng từ nguyên tắc người dân tự nguyện thành gần như bắt buộc...
Từ thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở các địa phương, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị phải có biện pháp kiện toàn bộ máy cán bộ chuyên trách làm văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Với các HĐND và UBND, đoàn giám sát yêu cầu phải chấm dứt tình trạng ban hành công văn, thông báo nhưng lại có quy phạm pháp luật (bắt dân, các tổ chức phải thực hiện).
Đánh giá và phân tích báo cáo giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải tìm cách hạn chế bớt các văn bản phi pháp luật, đồng thời chỉ đạo đoàn giám sát phải hoàn thiện dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra nghị quyết về vấn đề này. Nghị quyết phải có biện pháp để kịp thời phát hiện văn bản không đúng và phải xử lý, hủy kịp thời.
CẦM VĂN KÌNH