Xung quanh việc Bộ GTVT đề nghị Chính phủ trình UBTVQH bổ sung Danh mục Phí lưu hành phương tiện cá nhân và Phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga.
- Dư luận đang xôn xao trước việc Bộ GTVT đề nghị CP trình UBTVQH bổ sung danh mục Phí lưu hành phương tiện cá nhân và Phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Bà có thể cho biết, QH đã đồng ý về chủ trương cho phép thu 2 loại phí này hay chưa?
Đại biểu Lê Thị Nga cho biết: phải có một cuộc cách mạng thật sự trong lĩnh vực giao thông mới thay đổi được tình hình. |
Đại biểu Lê Thị Nga: Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 21/2001/QH13 (29/11/2011) về chất vấn và trả lời chất vấn với tỷ lệ số phiếu tán thành rất cao (92,4%). Tại mục II của Nghị quyết đã ghi rõ: "Quốc hội tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông, tạo chuyển biến rõ nét trong quản lý người và phương tiện tham gia giao thông…Giao Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ GTVT, Bộ Công an, các Bộ, ngành hữu quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm chống ùn tắc giao thông đã báo cáo Quốc hội".
Các giải pháp được đề cập trong Nghị quyết trên chính là các giải pháp đã được Chính phủ trình Quốc hội trong Báo cáo số 256/ ngày 15/11/2011 và đã được Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định lại trong trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 23/11/2011.
Có thể thấy Báo cáo số 256 đã được Quốc hội đánh giá cao qua phát biểu của Chủ tịch Quốc hội khi kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT: “Báo cáo này rất đầy đủ trong đánh giá thực trạng, đưa ra mục tiêu, các giải pháp dài hạn, ngắn hạn rất rõ ràng và quyết tâm rất cao”.
Trong các giải pháp được nêu ra trong báo cáo trên có các giải pháp về: Thu Phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân; Thu Phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm; Cấm xe taxi, xe ô tô cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố trong giờ cao điểm và trên một số tuyến phố. Như vậy, có thể nói, Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc thu các loại phí này.
- Vậy, theo bà đề xuất này còn điều gì cần phải bàn?
Đaị biểu Lê Thị Nga:
Việc cần bàn hiện nay là theo thẩm quyền của từng cơ quan Nhà nước (UBTV Quốc hội, Chính phủ, các Bộ…) cần xác định thu phí đối với loại phương tiện cá nhân nào (ô tô, xe máy, xe đạp), mức thu và thời điểm thực hiện cụ thể. Trong quá trình xem xét, tôi cho rằng, cần đặc biệt lưu ý đến việc tránh thu phí chồng lên phí, phù hợp với sức chịu đựng của người dân, đảm bảo công bằng, sử dụng nguồn thu đúng mục đích, chống thất thoát, tiêu cực trong thực hiện.
Theo Đại biểu Lê Thị Nga: Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông hiện nay đã tương đương với “tình trạng khẩn cấp”. Để xử lý được tình trạng khẩn cấp thì phải có những giải pháp mạnh tương ứng. |
- Thu phí là giải pháp không
mới, đã được nhắc tới trong nhiều văn bản của Chính phủ, nhưng việc áp dụng luôn
vướng phải sự phản đối quyết liệt của dư luận. Theo bà thì đâu là nguyên nhân?
Đại biểu Lê Thị Nga:Tại QH tôi đã phát biểu là TNGT và ùn tắc giao thông
hiện nay đã tương đương với “tình trạng khẩn cấp”. Để xử lý được tình trạng khẩn
cấp thì phải có những giải pháp tương ứng, phải đủ mạnh. Hay nói cách khác là
phải có một cuộc cách mạng thật sự trong lĩnh vực giao thông mới thay đổi được
tình hình. Mà như vậy, chắc chắn sẽ rất khó khăn. Vì lợi ích chung của cộng đồng,
một bộ phận dân cư buộc phải hy sinh lợi ích riêng, nhất các lợi ích được pháp
luật thừa nhận. Với vai trò của mình, Nhà nước có quyền điều chỉnh các lợi ích
này bằng các giải pháp hành chính, giải pháp kinh tế.
Tuy nhiên, trong tình hình giá cả gia tăng hiện nay (nhiều mặt hàng thiết yếu
đang được điều chỉnh dần theo giá thị trường, giá điện tăng, giá viện phí và
dịch vụ y tế dự kiến tăng…), việc thực hiện giải pháp kinh tế, nộp thêm các loại
phí sẽ ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân.
Do vậy, những chủ trương
này ban đầu thường chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Vì vậy, việc giải
thích, động viên nhân dân đồng thuận và chia sẻ với Nhà nước trong việc thực
hiện các giải pháp mạnh vì lợi ích chung là rất quan trọng. Và Nhà nước cũng cần
lắng nghe cả những ý kiến đồng thuận và cả những ý kiến chưa đồng thuận từ phía
những người chịu tác động trực tiếp của việc thu phí này để có sự điều chỉnh hợp
lý trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết của QH.
- Cá nhân bà có ủng hộ chủ trương thu phí hay không?
Đại biểu Lê Thị Nga:Tôi cho rằng Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành thì
phải tổ chức thực hiện. Trước đây, chúng ta đã có các biện pháp hành chính như
hạn chế đăng ký phương tiện hoặc có những ý kiến đề xuất cấm xe cá nhân đi vào
khu trung tâm… nhưng dư luận phản ứng, cho rằng không nên hạn chế bằng giải pháp
hành chính mà đề nghị dùng giải pháp kinh tế.
Nay, Nhà nước quyết định thực hiện giải pháp kinh tế thì lại có nhiều ý kiến
không đồng tình. Như vậy, nếu đưa ra bất kỳ giải pháp nào (hành chính cũng như
kinh tế) người dân cũng không chấp nhận thì chúng ta không thể nào làm chuyển
biến được tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông hiện nay. Và hậu quả của tai
nạn và ùn tắc thì chính người dân phải gánh chịu.
Tôi cho rằng, để giải quyết tình hình giao thông hiện nay, cần phải nâng cao
trách nhiệm của cả Nhà nước lẫn công dân.
- Nhưng có ý kiến cho rằng thu phí cũng không giảm được ùn tắc?
Đại biểu Lê Thị Nga: Hiện nay, hậu quả của tai nạn và ùn tắc giao thông
là vô cùng nghiêm trọng. Tình hình này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên cần có
nhiều giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, việc gì có thể làm được thì cần phải làm
ngay. Nếu cứ chờ đầy đủ các giải pháp đồng bộ rồi mới làm thì không thể chặn
đứng được tình hình.
- Cá nhân bà cho rằng thu như thế nào là hợp lý?
Đại biểu Lê Thị Nga:Tôi cho rằng trước mắt chỉ nên thu phí lưu hành ô tô.
Chưa nên thu phí xe máy. Vì nếu thu phí để hạn chế xe máy thì không đạt được mục
tiêu. Khả năng trên 95% người đi xe máy cũng không thể vì thế mà lựa chọn phương
tiện nào khác. Bởi xe buýt và các phương tiện công cộng khác hiện nay chưa thể
đáp ứng nhu cầu đi lại thiết yếu của đa số người dân.
Cá nhân tôi nghĩ rằng ban đầu nên thu phí ô tô, hạn chế bớt ô tô thì có đường
rộng hơn cho phương tiện giao thông công cộng, có thêm tiền để đầu tư cho vận
tải công cộng, cho phát triển hạ tầng... Sau đó, mới tiếp tục thu phí để hạn chế
xe máy. Lúc đó, người dân nào không thể tiếp tục sử dụng xe máy thì cũng có các
phương tiện giao thông công cộng để lựa chọn.
Mà kể cả chỉ thu phí ô tô thì cũng phải bàn kỹ để xác định mức thu hợp lý sao
cho người dân có thể chịu đựng được, xác định lộ trình, thời gian thực hiện để
những người không có điều kiện tiếp tục đi ô tô có thời gian chuyển đổi phương
tiện đi lại.
- Bà có tin tưởng người dân sẽ đồng thuận với chủ trương này?
Đại biểu Lê Thị Nga: Chúng ta nhớ lại kinh nghiệm khi Chính phủ quy định
bắt buộc đội MBH, cấm xe lôi, xe lam, xích lô… Ban đầu người dân phản ứng rất
gay gắt nhưng về sau được tuyên truyền phổ biến, được thông báo lộ trình thực
hiện và có hỗ trợ chuyển đổi, người dân thấy được lợi ích của chủ trương này thì
tự giác thực hiện và quy định đó đã đi vào cuộc sống.
Tôi cho rằng, người dân chúng ta rất có trách nhiệm, chỉ cần chính sách đúng,
đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết, thực hiện minh bạch thì tôi tin rằng dần
dần người dân sẽ hiểu và thực hiện nghiêm túc.
Xin cảm ơn bà!
Vũ Điệp – Nam Anh(Thực hiện)