Theo Bộ này, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về những nguyên nhân gây gia tăng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó có nguyên nhân từ sự gia tăng nhanh các loại phương tiện (đặc biệt là phương tiện cá nhân), đồng thời kiến nghị hàng loạt giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí theo hướng bổ sung nội dung thu phí lưu hành phương tiện cá nhân đường bộ và phí ô tô vào trung tâm thành phố. Nghị quyết số 21/2011/QH ngày 26/11/2011 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng tán thành các biện pháp của Chính phủ, Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý về giao thông.
Theo Bộ GTVT, mục tiêu của việc bổ sung 2 loại phí trên nhằm đưa ra những giải pháp kinh tế cụ thể, đột phá kiềm chế sự gia tăng, giảm dần số lượng phương tiện giao thông cá nhân; giảm tải mật độ phương tiện tham gia giao thông tại các thành phố lớn (đặc biệt là khu vực trung tâm), từ đó kiềm chế, giảm dần ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, đề xuất này cũng tạo thêm một nguồn thu đáng kể để chi cho các giải pháp chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông (dự kiến số thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đối với xe ô tô khoảng 15.239,080 tỷ đồng/năm). Theo Bộ GTVT, nếu đề xuất này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân có thể triển khai sớm. Riêng thơi hạn cụ thể thu phí ô-tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định. Việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ thu qua các trạm thu phí thông minh (tự động, không dừng), thu một lượt khi xe vào.
M.Đồng