- Sau vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, có rất nhiều văn phòng luật sư nhận bào chữa miễn phí, nhưng không được ông Vươn chấp nhận. Là người được bị can Vươn mời bào chữa, cảm giác của ông thế nào?
- Trong thâm tâm tôi rất muốn được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Vươn bởi vụ việc này không riêng tôi mà được dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên do thời gian qua công việc của tôi khá bận nên chưa thể tham gia ngay được.
Chiều 2/2, tôi bất ngờ nhận được thông báo từ gia đình ông Vươn rằng ông Vươn đã chính thức làm đơn mời tôi tham gia bào chữa. Quả thực lúc đó tôi thấy khá bất ngờ.
- Gần chục năm trước ông từng tham gia tư vấn cho gia đình ông Vươn cũng như nhiều hộ khác ở đây. Quãng thời gian đó, ông tư vấn cho họ những gì?
- Từ những năm 2004-2005, một số hộ sắp thu hồi đất đã mời tôi về tư vấn, trong đó có gia đình ông Vươn. Hồi đó, họ chủ yếu nhờ tư vấn việc thu hồi đất đúng hay sai, cơ sở pháp lý ra sao.
Tuy nhiên, sau này vụ việc kiện ra tòa tôi bận nên không thể tham gia. Các hộ gia đình cũng không thông báo gì cho tôi biết. Mãi đến sau khi việc cưỡng chế xảy ra tôi mới biết.
Vụ việc đã nhiều năm nhưng đến giờ tôi và mọi người vẫn quan tâm nhất là quy trình thủ tục đó đúng hay sai. Việc thực hiện đó diễn ra như thế nào.
- Mới đây nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý. Dưới góc độ pháp lý, luật sư đánh giá thế nào?
- Chưa thể nói ông Đặng Hùng Võ sai hay đúng bởi vụ việc đến nay vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của các cơ quan chức năng. Tôi được biết hôm nay Thủ tướng đã đề nghị nhiều bộ ngành tham mưu, đề xuất hướng xử lý vụ việc.
Riêng tôi đến nay cũng chỉ tiếp cận vụ việc qua báo chí, chưa có thông tin đầy đủ và chính xác nên không thể phát ngôn được. Còn nếu vụ việc sau này chưa được giải quyết thấu đáo, trong quá trình làm việc, tôi sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng để họ có kết luận chính xác và toàn diện.
Luật sư Nguyễn Việt Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kinh Đô. Ảnh:Hà Anh. |
- Nhiều luật sư cho rằng nên tách việc ngôi nhà ông Vươn bị phá hủy không nằm trong diện giải tỏa, gia đình ông Vươn bị một số người vào vơ vét trộm thủy sản ra làm vụ án riêng, quan điểm luật sư thế nào?
- Việc đúng hay sai đến nay phải chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Còn việc nói tách riêng hay gộp chung ở thời điểm này rất khó.
Tuy nhiên, nếu cùng xảy ra ở một thời điểm cũng có thể gộp chung vào. Cơ quan điều tra cũng có thể tách riêng nếu họ thấy điều đó là cần thiết.
- Những ngày tới luật sư sẽ tiếp cận vụ việc ra sao để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ?
- Vụ việc cơ quan điều tra mất khá nhiều thời gian mới có thể làm rõ nên bản thân luật sư như tôi một sớm một chiều không thể nắm được hết các vấn đề.
Những ngày tới tôi sẽ về cơ quan điều tra dưới Hải Phòng để nắm bắt thông tin. Trước tiên tôi cũng muốn gặp ông Vươn để xem tình hình sức khỏe và tinh thần ra sao rồi dần từng bước tiếp cận hồ sơ.
Nguyên tắc khi bị can khép vào tội danh giết người phải có luật sư. Nếu họ không mời luật sư bào chữa thì phải có luật sư chỉ định để được tham gia ngày từ giai đoạn tố tụng.
Ngày 3/2, đại tá Vũ Sỹ Hưng, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư của một số bị can liên quan đến vụ án. Theo đó, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Nguyễn Minh Long, Ngô Ngọc Trai và Đinh Thị Hòa (Đoàn luật sư Hà Nội) bào chữa cho các bị can Nguyễn Thị Thương (42 tuổi, vợ ông Vươn) và Phạm Thị Báu (30 tuổi, vợ ông Đoàn Văn Quý) về tội chống người thi hành công vụ. Cả hai đang được tại ngoại. Với các bị can khác như Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) đang tạm giam, cơ quan điều tra chưa trả lời về việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các luật sư. |
Hà Anh thực hiện