Người ký văn bản này, Phó Chủ tịch thường trực của Hội, ông Võ Văn Trác,
cho VietNamNet biết liên chi hội cơ sở đã đề nghị nhiều cơ quan, trong
đó có trung ương Hội nghề cá Việt Nam, can thiệp và bảo vệ lợi ích cho
hội viên.
Luật phải bảo vệ cuộc sống người dân
- Dư luận cho rằng sự việc xảy ra gần một tháng Hội mới có ý kiến là hơi muộn?
Sự việc đã được Hội theo dõi từ sớm, chủ yếu qua thông tin báo chí. Văn
bản chính thức vừa mới được gửi đến UBND Hải Phòng, hiện chúng tôi chưa
nhận được văn bản trả lời.
Tuy nhiên, trung ương Hội không trực tiếp quản lý với hơn 300 nghìn hội
viên, họ tham gia các chi hội địa phương. Trong trường hợp này, tôi nghĩ
Thành hội Hải Phòng nên có sự can thiệp.
Một khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn khô cạn sau khi thủy sản bị vơ vét. Ảnh: Kiên Trung |
Văn bản Hội gửi thành phố Hải Phòng ngắn gọn thôi, nhưng sắp tới chúng
tôi sẽ làm các việc sau: Thứ nhất, kiến nghị trung ương lập đoàn kiểm
tra để đánh giá sự việc một cách khách quan và nhanh chóng có kết luận
để giải quyết theo pháp luật.
Thứ hai, rất quan trọng, là cuộc sống của gia đình vợ con anh Vươn đang
rất khó khăn, tài sản thì bị phá, họ cần được giúp đỡ ngay. Chờ đến khi
sự việc được giải quyết thì e họ khó vượt qua được những thách thức
trước mắt.
- Ngoài trường hợp ông Đoàn Văn Vươn, còn rất nhiều nông dân khác
cũng đang đối mặt với nguy cơ bị thu hồi diện tích đất sản xuất. Họ cũng
như ông Vươn, đã đầu tư vào đó rất nhiều công sức, tiền bạc. Ông có cho
rằng cách hành xử như vậy của địa phương sẽ khiến những người nuôi
trồng thủy sản e ngại, không dám mạo hiểm đầu tư, nghề cá sẽ khó phát
triển?
Chính sách của Nhà nước cũng xác định điều quan trọng nhất là làm thế
nào khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân bỏ vốn khai hoang, lấp
biển để có đất sản xuất, và thực tế họ đang làm rất hiệu quả.
Trong một trường hợp cụ thể, để xác định ai đúng, ai sai cần có sự điều
tra cẩn thận, vì pháp luật hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề. Nhưng luật gì
thì cũng phải nhìn thấy thực tiễn là người dân đã bỏ bao nhiêu công sức,
mồ hôi, nước mắt để có được kết quả, cải thiện được cuộc sống và đóng
góp cho xã hội. Luật thì phải bảo vệ cuộc sống của người dân, chứ không
thể để họ cố gắng bao nhiêu năm rồi thành quả lại bị tước đoạt.
Bàn bạc, đồng thuận
- Trước khi tiến hành cưỡng chế, chính quyền địa phương có tham khảo ý
kiến các cơ quan chức năng về nuôi trồng thủy sản ở địa phương không?
Cần điều tra làm rõ chính quyền có làm việc này không, nếu họ không làm
thì họ sai rồi. Việc này ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân thì rõ ràng
phải có ý kiến của cơ quan chức năng, tổ chức liên quan. Nhưng trước
hết phải có ý kiến, có sự bàn bạc và đồng thuận của chính người dân.
- Trước vụ việc ông Đoàn Văn Vươn, Hội nghề cá Việt Nam đã gặp trường hợp nào tương tự chưa?
Hội đã nhiều lần đứng ra, lên tiếng bảo vệ quyền lợi của hội viên như
với những ngư dân đánh bắt cá trên biển, những nông dân nuôi cá tra,
basa… khi họ gặp trở ngại từ cơ chế, chính sách khiến họ gặp khó khăn
trong phát triển sản xuất.
Sự việc như của ông Vươn chưa có nhiều, nhưng nếu sự việc này ảnh hưởng
đến việc sản xuất nuôi trồng thủy sản của số đông nông dân, Hội phải lên
tiếng.
Trong văn bản ngày 30/1 gửi UBND TP Hải Phòng, Hội nghề cá Việt Nam nhận
định “gia đình ông Đoàn Văn Vươn là một trong những gia đình nông dân
đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của để khai hoang, xây dựng cơ nghiệp, tạo
phong trào khai hoang lấn biển, phát triển nuôi trồng thủy sản của địa
phương”. Hội đề nghị UBND TP Hải Phòng “xem xét, có biện pháp giải quyết thỏa đáng, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nông ngư dân đã được pháp luật quy định, đồng thời có chính sách quan tâm hỗ trợ đời sống cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn”. |
Chung Hoàng