Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) do ông Lê Văn
Lịch, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Chánh thanh tra Tổng cục Đất
đai, Chánh thanh tra Bộ đã có buổi làm việc đầu tiên với UBND huyện
Tiên Lãng về vụ cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn
xã Vinh Quang.
Sở TN&MT Hải Phòng cử phó Giám đốc Sở Nguyễn Văn Trọng cùng lãnh đạo một số phòng, ban chức năng tham gia làm việc với đoàn.
Đoàn công tác tập trung xác định nguồn gốc đất, quy trình, thủ tục giao
đất, cho thuê đất đối với diện tích đầm bãi nuôi trồng thủy hải sản ven
biển cho các hộ dân thuê của huyện Tiên Lãng và của UBND TP Hải Phòng;
việc thực hiện luật Đất đai của chính quyền cấp cơ sở; việc quản lý đất
đầm, bãi bồi ven biển… theo quy định của pháp luật hiện hành…
Khu đầm nhà Đoàn Văn Vươn sau cưỡng chế. Ảnh: Kiên Trung |
Buổi làm việc đầu tiên, đoàn công tác yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng cung
cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc giao cấp đất, trình tự thu
hồi đất. Trước đó, Sở TN&MT Hải Phòng đã được Bộ yêu cầu báo cáo
bằng văn bản vụ việc.
Trong thông báo số 29-TB/HU của Ban Thường vụ huyện ủy, Tiên Lãng có
tổng diện tích bãi bồi ven sông, ven biển ngoài đê quốc gia khá lớn:
3.157ha. Theo quy định của luật Đất đai, đây là quỹ đất chưa sử dụng nên
cần được quản lý, sử dụng đúng quy định và phải đảm bảo tính hiệu quả.
Thực hiện QĐ số 327/QĐ-CP ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống đồi núi trọc, rừng,
bãi bồi ven biển và mặt nước; QĐ 57/QĐ-UB ngày 22/4/1992 của UBND TP về
đẩy mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản trên các bãi triều ven biển,
các nghị quyết của Thành ủy, HĐND TP, đại hội Đảng bộ huyện, UBND huyện
Tiên Lãng đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất này.
Từ năm 1992 đến 2000, huyện đã đưa 1.431ha đất đầm, bãi vào mục đích
nuôi trồng thủy sản. Trong đó, Tiên Lãng giao 515ha đất cho 56 hộ gia
đình; UBND các xã hợp đồng cho 219 hộ thuê 583ha; diện tích còn lại
333ha, UBND thành phố giao cho tổ chức thuê theo thẩm quyền. Trong các
quyết định giao đất cho các cá nhân, tổ chức đều ghi rõ thời hạn sử dụng
đất, khi hết thời hạn, chủ sử dụng đất phải giao trả lại để Nhà nước
quản lý.
Ngày 4/10/1993, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 447/QĐ-UB
giao cho ông Đoàn Văn Vươn, quê ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, diện
tích 21ha đất bãi biển khu vực nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang (phần
giáp đê quốc gia) để nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng là 14 năm.
Quá trình sử dụng ông Đoàn Văn Vươn đã đắp bờ bao để sử dụng vượt quá
diện tích được giao. Ngày 2/3/1997, ông Vươn làm đơn xin giao đất bổ
sung phần diện tích lấn chiếm ngoài diện tích được giao.
Ngày 9/4/1997, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ
sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm.
Như vậy, với hai quyết định trên, ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để
nuôi trồng thủy sản.
Hầu hết các hộ dân thuê đầm, bãi nuôi trồng thủy sản đều chỉ được thuê ở
thời gian ngắn hạn (5 - 15 năm). Không chỉ riêng trường hợp chủ đầm
Đoàn Văn Vươn và Vũ Thế Luân, hàng chục các chủ đầm khác cũng nhận được
quyết định thu hồi đầm bãi của UBND huyện Tiên Lãng từ thời điểm năm
2007. Kèm theo những QĐ thu hồi không đền bù này là thông báo các chủ
đầm dừng đầu tư vào các đầm, bãi của huyện. Việc khiếu kiện của các chủ
đầm về QĐ thu hồi này đã kéo dài nhiều năm nay.
Trước khi đoàn công tác về Hải Phòng, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục
Đất đai vào cuộc. Theo đó, Tổng cục Đất đai đã yêu cầu Sở TN&MT TP
Hải Phòng báo cáo bằng văn bản vụ việc.
Ngoài Bộ TN&MT, Mặt trận Tổ quốc và Bộ Công an cũng đã vào cuộc xem
xét, giám sát, điều tra vụ cưỡng chế đất đầm bãi ở Tiên Lãng.
Kiên Trung