Sau 5 ngày điều
chỉnh giờ học, giờ làm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Tân cho
rằng, hiệu quả bước đầu đã có thể nhìn thấy, một số tuyến đường thông thoáng
hơn, nhưng cần phải đợi sau ngày 15/2 khi sinh viên các trường đại học trở lại
mới đủ điều kiện đánh giá một cách chính xác.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, khối THCS bắt đầu ca sáng từ
8h, ca chiều tan lúc 17h, nên khi cả hai ca đều học 5 tiết thì khoảng thời gian
giữa hai ca chỉ có nửa giờ, gây khó khăn cho cả học sinh và giáo viên.
Ngoài ra, ông Độ cho rằng, các trường quá cứng nhắc trong việc thực hiện. Nhiều trường học xong 15-16h nhưng vẫn bắt học sinh và phụ huynh phải đợi đúng đến 17h mới được về, thậm chí một số trường THPT có hiện tượng này.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, không chỉ các cấp, ngành của thành phố đánh giá tích cực bước đầu, mà các bộ ngành trung ương cũng nhận xét tương tự. Tuy nhiên, ông cũng nhận được một số thắc mắc là giờ tan học của học sinh THPT quá muộn.
Học sinh có nhiều xáo trộn khi đổi giờ học. Ảnh:Hoàng Hà. |
Ông Thảo
cho rằng các trường thực hiện máy móc và hướng dẫn của sở, ngành liên
quan cũng chưa rõ ràng. Do vậy ngành giáo dục cần hướng dẫn các trường
thực hiện, không để tái diễn hiện tượng tương tự.
Khẳng định đây chỉ là một trong nhiều biện pháp nhằm giảm tai nạn, ùn
tắc giao thông, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, không nên đặt
quá nhiều kỳ vọng để khi không đạt kết quả lại đánh giá biện pháp này
thất bại là không đúng.
Trước ý kiến của các ngành về điều chỉnh lại giờ, Bí thư Thành ủy đã yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh thời gian tan học của cấp THPT từ 18h, thay vì 19h. "Chúng ta phải kêu gọi sự hưởng ứng và chia sẻ của xã hội, vì dù bằng phương án nào cũng sẽ làm thay đổi thói quen, nên khó tránh khỏi ảnh hưởng", Bí thư Hà Nội bày tỏ.
Dự kiến sau một tuần đến 10 ngày nữa, UBND Hà Nội sẽ ra quyết định về điều chỉnh lại giờ học.
Theo Vnexpress