15/02/2012 17:13 PM

- Nhiều luật sư cho rằng, cần thay đổi lại tội danh đối với Đoàn Văn Vươn. Việc thay đổi tội danh vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo tính khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Cần thay đổi tội danh 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị can Đoàn Văn Vươn, nhiều luật sự đã kiến nghị: nên thay đổi tội danh cho Đoàn Văn Vươn từ “Giết người” sang “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hoặc “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Nhiều luật sư cho rằng, cần thay đổi lại tội danh đối với Đoàn Văn Vươn.

Theo Luật sư Vi Văn Diện, Trưởng văn phòng luật sư Thiên Minh, trong vụ này, cơ quan CSĐT TP Hải Phòng cần xem xét thật kỹ trong việc định tội danh đối với ông Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình.

Theo đó, hành vi của ông Đoàn Văn Vươn nên chẳng chỉ bị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố, truy tố về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 95 Bộ luật Hình sự.

Bởi, nguyên nhân dẫn đến hành vi giết người là do ức chế, phẫn uất về mặt tâm lí; hành động của Đoàn Văn Vươn xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của chính quyền Tiên Lãng (như kết luận của Thủ tướng).

Ở vụ án này, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về những về sai phạm của chính quyền địa phương: từ việc giao đất cho đến các quyết định thu hồi,từ bản án sơ thẩm cũng như quyết định của cấp phúc thẩm tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng; từ quyết định cưỡng chế đến việc phá hủy tài sản… đều sai.

Điều đó có nghĩa là sai phạm của chính quyền địa phương mang tính liên tục; ông Đoàn Văn Vươn và gia đình cũng phải gánh chịu hậu quả của những sai phạm đó liên tục, luôn thường trực trạng thái lo lắng, phẫn uất vì sẽ bị thu hồi đất. Bởi vậy, tinh thần ông Đoàn Văn Vươn bị kích động mạnh là điều dễ hiểu.

Cũng theo luật sư Diện, nếu cơ quan điều tra đã xem xét toàn bộ hành vi khách quan và ý chí chủ quan của ông Đoàn Văn Vươn mà xét thấy có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự thì có thể xem xét khi lượng hình và ra quyết định dưới 3 năm tù; nếu đủ điều kiện theo luật định có thể cho ông Đoàn Văn Vươn được hưởng án treo khi quyết định.

“Việc thay đổi tội danh như thế, theo tôi vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo tính nhân đạo, khoan hồng trong đường lối lãnh đạo của Đảng và tinh thần áp dụng pháp luật của Nhà nước ta” – Luật sư Diện khẳng định.

Vượt quá phòng vệ chính đáng?

Liên quan đến vụ việc, báo Người lao động dẫn lời GS – TS Nguyễn Minh Thuyết: Cơ quan CSĐT cần xem lại việc khởi tố với tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ” đã chính xác chưa.

Về tội danh “giết người”, cơ quan Điều tra cần xem ông Vươn và Quý có động cơ giết người hay không, giết người để làm gì và hành động của họ trong thực tế (bắn đạn hoa cải từ cự ly xa) có làm chết người được không?... Đặc biệt, cần xét xem vì sao ông Vươn và một số thành viên gia đình lại có hành động như vậy.

GS – TS Nguyễn Minh Thuyết: Cơ quan CSĐTcần xem lại việc khởi tố với tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ” đã chính xác chưa.

Theo GS Thuyết, sự việc xảy ra là do việc thu hồi đất quá sai, diễn ra gay gắt, suốt một thời gian dài, đương sự nhiều lần khiếu nại đều bị chính quyền bác, kiện ra tòa án huyện cũng bị tòa án bác, kiện đến tòa án TP để phúc thẩm thì vị thẩm phán ở đó làm một hành động gần như là phối hợp với huyện lừa dân, các đoàn thể thì không một ai lên tiếng bênh vực.

Có thể nói tất cả đã dồn ông Vươn vào ngõ cụt, dẫn đến hành động phản kháng. 

GS Thuyết cho hay, trong trường hợp của ông Vươn và một số thành viên trong gia đình, nếu có tội danh thì cũng chỉ là “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng".

Không thể khởi tố tội chống người thi hành công vụ?

Theo luật sư Trịnh Anh Dũng – Trưởng văn phòng luật sư Trịnh, việc cơ quan Điều tra khởi tố 1 số cá nhân về tội chống người thi hành công vụ là không đúng.

Luật sư này phân tích: đã gọi là công vụ thì phải được phân công, phải được giao nhiệm vụ. Đặc biệt, việc phân công, giao nhiệm vụ của cấp trên phải đúng quy định của pháp luật. Nếu sự phân công, giao nhiệm vụ và thi hành nhiệm vụ đó đều vi phạm pháp luật thì không thể coi đó là thi hành công vụ được.

Bởi thế, khi người nhà ông Vươn chống trả cũng không thể gọi là “chống người thi hành công vụ”.

Từ phân tích trên, luật sư Dũng kiến nghị cần phải xem xét thật kỹ khi áp dụng tội danh này đối với các cá nhân trong vụ án này. Nếu qua quá trình điều tra xét thấy không đủ các yếu tố cấu thành tội danh này thì không thể khởi tố, truy tố đối với họ.

Cùng quan điểm với luật sư Dũng, luật sư Trần Đình Triển – Trưởng văn phòng luật sư Vì dân cũng khẳng định: việc cơ quan điều tra khởi tố một số cá nhân về tội “chống người thi hành công vụ” là không đúng.

Bởi, khi nói đến người thi hành công vụ phải hội đủ cả 3 điều kiện: Thứ nhất, người đó thực thi đúng nhiệm vụ, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phân công, phân nhiệm; thứ 2, đang thực thi (hành vi đang diễn ra thi hành công vụ); thứ 3 là nhiệm vụ phân công, thực hiện phải đúng pháp luật.

Như vậy việc cưỡng chế, lệnh cưỡng chế, phá hủy tài sản… đối với gia đình ông Vươn là trái pháp luật (theo kết luận của Thủ tướng) thì không thể truy cứu trách nhiệm các cá nhân của gia đình ông Vươn về tội danh này.

Hoàng Sang

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,433

Chính sách mới

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]