Chẳng còn cách nào khác, chị Minh phải chạy lòng vòng tìm bãi gửi xe nằm sâu trong ngõ nhỏ. "Thật quá bất tiện", chị Minh vừa quay xe đi vừa nói.
Một ngày sau khi thành phố cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố, trong đó có phố Đinh Tiên Hoàng, rất nhiều người đã lâm vào cảnh như chị Minh. Anh Thắng (nhà ở quận Hai Bà Trưng) phải lên tận Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội ở phố Lý Thái Tổ (cách Bưu điện Hà Nội chừng 500 m) để gửi xe. "Tôi thường xuyên phải gửi bưu phẩm cồng kềnh, giờ phải gửi xe xa như vậy rất mệt", anh Thắng nói.
Do lượng người và xe dồn về đông nên phố Đinh Lễ và Nguyễn Xí (nằm sát Bưu điện Hà Nội) tấp nập hơn thường ngày, ôtô đỗ tràn cả xuống lòng đường. Vé gửi xe máy tại điểm khoán quản của Công ty Hạnh Ly bị nâng lên 5.000 đồng một lượt, trong khi trên vé đưa cho khách chỉ in giá 2.000 đồng.
Bãi trông giữ xe trong khuôn viên bệnh viện Mắt Trung ương khá thông thoáng. Ảnh:Yến Hoa. |
Trên phố Bà Triệu, bãi trông xe trước cổng Bệnh viện Mắt trung ương đã được chuyển vào trong sân. Vỉa hè được giải phóng, khiến khu vực này thoáng đãng và không còn cảnh lộn xộn như trước kia. Do khuôn viên bệnh viện khá rộng nên việc để xe trong sân không gây ảnh hưởng nhiều.
Ngồi đợi người nhà trước cổng bệnh viện, chị Nhân (quê Bắc Ninh) rất ủng hộ quyết định này và cho biết, bỏ điểm trông giữ xe ngoài vỉa hè sẽ làm cổng bệnh viện thông thoáng và gửi xe bên trong khuôn viên bệnh viện cũng yên tâm hơn.
Anh Nam (phố Bà Triệu) cũng bày tỏ đồng tình: "Người dân chúng tôi thường xuyên phải đi dưới lòng đường do vỉa hè bị lấn chiếm làm chỗ gửi xe. Xóa bỏ các điểm này, việc đi lại sẽ an toàn hơn, đặc biệt là các cháu nhỏ".
Tương tự, tại Bệnh viện Xanh Pôn (phố Chu Văn An, Ba Đình), điểm trông giữ xe cũng được chuyển vào trong sân. Tuy nhiên, do diện tích bãi khá nhỏ nên gần như quá tải. Từ đó xuất hiện tình trạng thu phí không đúng quy định.
Vé gửi xe không niêm yết giá đã gây ra tình trạng bắt chẹt khách. Ảnh: Yến Hoa. |
Ông Phạm Văn Khương (phố Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) cho biết, trên vé xe không niêm yết giá nên nhân viên trông giữ xe đã thu của mỗi chủ xe máy 5.000 đồng. "Phí gửi xe trong bệnh viện còn đắt hơn để ở ngoài. Bình thường tôi gửi xe ở vỉa hè trước cổng bệnh viện chỉ mất 3.000 đồng", ông Khương nói.
Ông Khương cũng như nhiều người dân lo ngại, nếu cấm hết bãi trông giữ bên ngoài vỉa hè sẽ xảy ra tình trạng loạn giá vé gửi xe trong bệnh viện, và các bãi xe tự phát ở bên ngoài sẽ mọc lên nhan nhản để đáp ứng nhu cầu của khách.
Mặc dù biết có quy định cấm trông xe trên vỉa hè nhưng các bãi xe ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương (phố Triệu Quốc Đạt) vẫn không chấp hành. Lý giải điều này, một nhân viên cho hay, do khuôn viên bệnh viện chỉ đủ chỗ để xe cho nhân viên nên bắt buộc khách đến thăm khám phải để xe ngoài vỉa hè.
"Bãi gửi ở đây đã luôn trong tình trạng quá tải. Tôi từng phải gửi xe ở ga Hà Nội, rồi bắt xe ôm xuống bệnh viện. Nếu cấm trông xe trên vỉa hè, hàng trăm người ra vào viện hàng ngày không biết phải gửi phương tiện ở đâu", anh Tuấn (phố Trần Khát Chân) nói.
Trước đó trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết khi trình thành phố phương án cấm trông giữ xe ở 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành đã đệ trình 230 tuyến được bố trí điểm đỗ. Tuy nhiên thành phố mới phê duyệt việc cấm. "Tôi tin rằng UBND thành phố sẽ sớm quyết định để tạo điều kiện cho người dân", ông Linh nói.
Từ ngày 15/2, UBND TP Hà Nội bắt đầu "xóa sổ" hàng trăm điểm trông giữ phương tiện trên hè phố, dưới lòng đường ở 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành, bao gồm: quận Hoàn Kiếm (76 phố), Ba Đình (52 phố), Hai Bà Trưng (20 phố), Đống Đa (35 phố), Cầu Giấy (29 phố), Thanh Xuân (27 phố), Tây Hồ (15 phố), Long Biên (2 phố) và Hoàng Mai (6 phố). |
Vân Anh