Một phiên họp UBND tỉnh Lạng Sơn. Ảnh minh họa |
UBND đang “tách” khỏi cơ quan quyền lực?
Theo quy định của Hiến pháp, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân… còn UBND vừa là cơ quan chấp hành của HĐND vừa là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
“Quy định như trên tạo ra sự nhận thức không thống nhất về địa vị pháp lý của HĐND và UBND: UBND vừa trực thuộc HĐND cùng cấp, vừa trực thuộc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”, HĐND TP. Đà Nẵng nhận xét.
Thực tiễn triển khai quy định này, nhiều UBND thừa nhận: xu hướng hoạt động chính của UBND là thuộc hệ thống các cơ quan hành chính. UBND dường như đang tách mình khỏi cơ quan tạo lập ra mình - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và cũng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra ở địa phương, vì trên thực tế nhiều hoạt động của HĐND phải thông qua hoạt động của UBND mới triển khai thực hiện được. Chính sự phân định không rõ ràng về địa vị pháp lý của HĐND, UBND dẫn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND và UBND có những vấn đề chồng chéo nhau. Điển hình như việc quyết định một số lĩnh vực như ngân sách, lệ phí…
“Theo quy định của pháp luật thì địa vị pháp lý của UBND là cơ quan hành chính nhà nước, do HĐND cùng cấp bầu ra để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước ở địa phương; do đó về bản chất thì địa vị pháp lý của UBND không phải là cơ quan mang tính đại diện cho nhân dân như HĐND nên địa vị pháp lý của UBND phải được hiểu theo hướng là cơ quan hành chính mới phù hợp với thực tiễn”, HĐND TP. Đà Nẵng phân tích.
Về trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu theo tổng kết của HĐND tỉnh Hà Tĩnh thì chưa thật sự rõ ràng, cụ thể. Do vậy, hạn chế việc phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm cá nhân, đồng thời dẫn đến tình trạng đùn đẩy cho trách nhiệm của tập thể hoặc hợp thức hoá những quyết định cá nhân của người đứng đầu dưới danh nghĩa ý kiến quyết định của tập thể UBND.
Vấn đề này, HĐND TP. Đà Nẵng đồng tình: do chưa xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân phụ trách dẫn đến có những vấn đề sai phạm trong quản lý, điều hành nhưng khó xác định trách nhiệm để xử lý. Do vậy, chưa phát huy, đề cao trách nhiệm của tập thể và nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cá nhân chủ tịch UBND và các thành viên.
Cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu
Sửa đổi Hiến pháp, HĐND TP. Đà Nẵng đề nghị theo hướng quy định cụ thể về địa vị pháp lý của cơ quan hành chính địa phương. Trên cơ sở điều chỉnh Hiến pháp tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003 theo hướng đổi UBND các cấp hiện nay thành cơ quan hành chính các cấp làm việc theo chế độ thủ trưởng và phân định rõ ràng địa vị pháp lý của cơ quan hành chính và HĐND.
Đồng thời, HĐND TP. Đà Nẵng cũng đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính và cấp phó tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Cùng với việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị cần thiết phải kiện toàn bộ máy tổ chức của cơ quan hành chính theo hướng bỏ chức danh ủy viên, tăng số lượng cấp phó nhằm tăng cường năng lực quản lý, điều hành trực tiếp.
Vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An cũng đề xuất: cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền địa phương. Đảm bảo trên thực tế quyền của mỗi cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định tài chính – ngân sách và về tổ chức, cán bộ như là những điều kiện tiên quyết để đảm bảo quyền tự chủ, tự quản của địa phương.
Bên cạnh đó, cần sớm ban hành các văn bản dưới Hiến pháp và Luật để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật về tổ chức hoạt động của cơ quan quyền lực và cơ quan hành chính ở địa phương.
Bình An