Dưới đây là ý kiến phản hồi của một số bạn đọc. TTO xin trích đăng:
|
Sao không có chính sách cho xe buýt?
Thật đáng buồn khi trong 5 biện pháp trên không có phương án khuyến khích người dân đi xe công cộng (xe buýt) như ở các nước đang phát triển. Tôi sống ở nước ngoài đã lâu, giờ về làm việc tại thành phố và đi xe buýt được 2 năm. Phải nói là chất lượng xe buýt ở thành phố không quá tồi tệ. Tuy nhiên do người dân chưa có thói quen đi xe buýt nên TP phải có chính sách khuyến khích. Ví dụ rất nhiều tuyến buýt chạy đến 6g chiều là kết thúc. Trong khi ở Đức chẳng hạn xe buýt và phương tiện công cộng khác chạy tới 12g đêm, sau đó thì có tuyến buýt đêm đến 3g sáng. Và phương tiện ngày bắt đầu hoạt động từ 3g.
Nếu muốn khuyến khích người dân dần bỏ phương tiện cá nhân đi xe công cộng để giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường thì lúc nào cũng phải có phương tiện cho người dân đi lại. Nhà nước phải chấp nhận bù lỗ vì quốc gia nào cũng vậy
Nguyễn Thị Hoan
Vì sao các biện pháp hiện nay đều xây dựng trên tiêu chí "thu phí của người dân"?
Ai là người chịu trách
nhiệm khi xây dựng, công bố biện pháp thu phí; khi thực hiện thu phí
không làm hạn chế được xe cá nhân thì có hoàn trả phí cho người dân
không; hay thu cứ thu còn hạn chế được thì tốt còn không được thì
thôi; nhu cầu của người dân là cần đi lại nhưng đi lại bằng phương tiện
nào?
Tại sao không nghĩ đến giải pháp nâng cấp hệ thông giao thông công cộng? Thật khó hiểu! Chúng ta chỉ
nghĩ đến biện pháp hạn chế xe máy và ôtô cá nhân nhưng không tiên liệu
được một vấn đề phát sinh cực kỳ quan trọng là người dân sẽ dùng phương
tiện gì đi lại để thay thế những phương tiện cá nhân bị cấm hoặc hạn
chế? Tại sao không nghĩ đến giải pháp nâng cấp chất lượng và phát triển
hệ thống giao thông công cộng để người dân dần dần thay thế các phương
tiện cá nhân? Khi giao thông công cộng còn quá yếu kém thì người dân
không đồng ý sử dụng là tất yếu, vậy hạn chế phương tiên cá nhân, người
dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì? Rất mong các cơ quan chức năng nghĩ
đến lợi ích của người dân chúng tôi. Nguyễn Đăng Hoàng Sơn
Theo ý kiến cá nhân tôi, hãy cung cấp cho dân chứ đừng bắt dân phải làm kiếm tiền để đóng những loại phí chưa đến thời điểm phù hợp này. Hay nói rõ hơn hãy cung cấp phương tiện giao thông công cộng thật thuận tiện và thân thiện với mọi người dân, giá vé tháng chỉ bằng 10% lương tối thiểu, thời gian phục vụ dài, đi và đến có thể nói "mọi lúc mọi nơi" thì không cần tìm biện pháp hạn chế xe cá nhân làm gì.
Sau đây là những ý kiến để hạn chế kẹt xe có thể là thừa nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ cùng bạn đọc:
- Mở rộng đường, trọng tâm ở những đoạn đường thường xuyên kẹt xe.
- Xây dựng thừa khả năng phục vụ nhu cầu đi lại và chất lượng phục vụ trên các phương tiện giao thông công cộng.
- Nghiên cứu các đề án phân luồng giao thông, mở các đường mới tránh các đoạn đường thường xuyên kẹt xe.
- "Cắt bớt" số tầng của các cao ốc văn phòng, chung cư ở trung tâm.
- Trả lại, giải phóng, dọn dẹp thật tốt lòng lề đường.
- Các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, trường học phải có bãi đậu xe phía trong để tập kết người đi xe xong rồi mới được ra để tham gia lưu thông, không được dừng đỗ xe trước các địa điểm nói trên. Các nơi này phải cắt cử người hoặc bảo vệ để giữ lề thông hè thoáng.
- Di dời tất cả trường nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học, bến xe khách, ga xe lửa, bệnh viện lớn ra ngoại ô thành phố. Tìm giải pháp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
- Xe tải (trên 2,5 tấn và kèm theo quy định kích thước xe) có khoảng thời gian nhất định được phép đi vào thành phố (từ 23g đến 3g sáng hôm sau).
Hiệp
Chỉ là phần ngọn
Theo tôi, dù có ban hành nhiều biện pháp gì đi nữa vẫn không hiệu quả, vì tất cả những vấn đề đều ở phần ngọn. Vấn đề cơ bản là ý thức tham gia giao thông của con người trong xã hội, những tổ chức có trách nhiệm đã và đang làm chưa hết trách nhiệm, tức là chưa có những giải pháp về giáo dục, hướng dẫn và răn đe để tạo ý thức trong tham gia lưu thông, nhằm đi đúng tuyến, dừng đúng vạch... thì tất nhiên sẽ vào nền nếp và thành công.
Nguyễn Bá Tân
Cần mở rộng diện tích giao thông
Ngoài các biện pháp trên, phải thực hiện nhiều biện pháp nữa. Cụ thể, đó là tăng phần diện tích cho giao thông, kết hợp với ngành xây dựng tạo khung pháp lý khi xây các khu thương mại, các tòa nhà phải có diện tích đủ chỗ để xe theo số người tòa nhà đó. Các nhà hàng, quán ăn phải có chỗ để xe. Các bệnh viện, trường học cũng quy định chỗ để xe theo số giường bệnh, học sinh...
Nguyễn Phước Thọ
Sao chỉ có tăng thu và cấm?
Sao các biện pháp chỉ có tăng thu phí và cấm những nhu cầu cần thiết của người dân như vậy. Để các quan chức ban ngành thấu hiểu một lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân như thế nào, đề nghị có quy định: tất cả các xe biển xanh - xe công vụ của thành phố - đều phải chấp hành nghiêm các luật cấm và tăng thu phí như xe dân sự. Nếu có tăng phần chi phí của các bộ ngành hay cơ quan công quyền thì đề nghị các bộ ngành hoặc cơ quan công quyền cũng phải bình đẳng tự tìm giải pháp khắc phục như người dân, ngân sách nhà nước không chi khoản chi này. Xe công vụ nên gương mẫu hạn chế sử dụng, nếu như đoạn đường từ nhà đến nơi làm việc của các quan chức không quá dài thì nên thay hình thức ôtô bằng đi xe máy, xe đạp hoặc xe buýt để cổ động tinh thần chia sẻ cùng cộng đồng của người dân.
Phí cầu đường cũng vậy, hãy thu phí tất cả các loại xe, sau đó tùy vào mục đích sử dụng của các loại xe công mà ngân sách thành phố phân bổ cho từng đơn vị được truy thu lại sau, tránh trường hợp lạm dụng xe công làm việc riêng nên không biết xót khoản tiền riêng từ túi phải bỏ ra cho những nhu cầu giao thông thường ngày của người dân.
Hãy có chế tài, mỗi khi ra một quyết định, biện pháp gì phải có cá nhân người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả thực thi quyết định, biện pháp đó. Ví dụ trong trường hợp này, nếu thực hiện thì bao lâu sẽ đem lại kết quả, kết quả như thế nào, nếu không đạt kết quả như những lập luận để ra quyết định hay biện pháp thì người đứng đầu chịu trách nhiệm ra sao.
Không thể như Hà Nội cứ quyết định, cứ biện pháp, không hiệu quả thì lại làm lại, đổi lại, quyết định lại, thay biện pháp. Nếu như vậy thì tài đức trọng trách thể hiện ở đâu.
Thu Nguyen
Phương pháp đảm bảo giảm một nửa lưu lượng xe
Có một vấn đề hiển nhiên ai cũng thấy là khi các ngày lễ tết hoặc dịp nghỉ lễ dài là lưu lượng xe trên các đường phố giảm rất nhiều. Các ngày lễ Tết Nguyên đán vừa qua, mọi con đường đều có lưu lượng xe giảm đáng kể. Tại sao lại thế?
Câu trả lời ai cũng biết. Vậy sao không tìm cách giải quyết nguyên nhân chủ yếu đó? Sao thành phố không quy hoạch lại các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục ra các vùng ven để cân bằng giao thông, môi trường và đời sống. Hãy tưởng tượng xem nếu các khu công nghiệp tập trung lượng công nhân đông đảo ở các vùng Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, làng đại học ở Thủ Đức... Trong từng khu bố trí các cơ sở hạ tầng chính yếu như hệ thống vận tải, trường học, chợ, nhà trọ, bệnh viện đàng hoàng.
Nếu có thể hành động quyết tâm và minh bạch thì có lẽ thành phố sẽ giảm được rất nhiều các vấn nạn xã hội như kẹt xe, ô nhiễm, thiếu trường học, chợ tự phát, lạm phát giá cả, mất an ninh trật tự đô thị...
Thử nghĩ xem: Một công nhân từ tỉnh lên thành phố làm việc, tìm được công việc ở nhiều nhà máy tại Bình Chánh, ở đây anh ta dễ dàng tìm đựợc khu nhà trọ gần chỗ làm, quản lý an ninh, có chợ, bệnh xá, trường học gần đó thì có cần phải kiếm chỗ trọ vùng ven giá rẻ mất an ninh, đi làm ở các phân xưởng ở Tân Bình, đi bệnh viện ở các quận 5, quận 10, cho con đi học ở các trường điểm trong thành phố, học đại học ở Thủ Đức và trong thành phố như hiện tại. Với bản vẽ hành trình trên thì ta thấy người công nhân hiện tại phải xuyên ngang xuyên dọc thành phố ít nhất hai lần một ngày.
Nếu cả chục triệu người thì sao? Nếu ta áp dụng các biện pháp có tính chất kinh tế và pháp lý vào người dân thì có đảm bảo được sự đồng tình ủng hộ của họ. Họ tham gia giao thông là vì nhu cầu đời sống thường ngày. Nay quản lý lại đưa ra các biện pháp làm cho nhu cầu đời sống họ khó khăn hơn thì họ sẽ cần di chuyển nhiều hơn, vận động sinh hoạt nhiều hơn, lúc đó vấn đề khó khăn hơn.
nguoi viet tre
Những phương án này sẽ có kết quả ra sao?
Chúng tôi tán thành chủ trương hạn chế xe cá nhân - một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông thời gian qua. Tuy nhiên cũng phải thấy với tình hình kinh tế hiện nay thì xe cá nhân lại là phương tiện hữu ích nhất để người lao động di chuyển khi đi làm và kiếm sống hằng ngày. Đó cũng là phương tiện chính để người dân đi lại.
Chính vì lẽ đó dù có khó khăn đến đâu thì họ vẫn phải sử dụng và vì thế các nhà quản lý có tăng thu, cấm này cấm nọ thì xe cá nhân vẫn khó hạn chế được. Có chăng với những biện pháp mà TP.HCM đưa ra chỉ làm cho người dân thấy khổ thêm mà thôi.
Thiết nghĩ việc quan trọng là cải tạo hệ thống đường sá, phân luồng giao thông hợp lý và đặc biệt là phát triển hệ thống giao thông công cộng với lộ trình, thời gian hoạt động phù hợp với đặc điểm đi lại của số đông người tham gia giao thông, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự... chắc chắn phương tiện cá nhân sẽ hạn chế được ngay.
Chỉ thấy ngăn cấm và gây khó để hạn chế là biện pháp không mấy thuyết phục. Và nếu phải đóng thêm tiền và chịu nhiều thứ cấm như phương án đã nêu mà tình hình giao thông vẫn cứ không cải thiện thì ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trước dân?
Vũ Văn Nhân