Sửa đổi thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong ATIGA
Bãi bỏ Phụ lục II - Quy tắc cụ thể mặt hàng tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 22/2016/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2019.
Trong phụ lục này một số từ ngữ được hiểu như sau:
- RVC40 hoặc RVC35 nghĩa là hàm lượng giá trị khu vực của hàng hoá, tính theo công thức quy định tại khoản 1 Điều 5 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BCT, không thấp hơn 40% (bốn mươi phần trăm) hoặc 35% (ba mươi lăm phần trăm) tương ứng, và công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện tại một nước thành viên;
- “CC” là việc nguyên liệu không có xuất xứ chuyển đổi từ bất kỳ chương nào khác đến một chương, nhóm hoặc phân nhóm của hàng hóa. Điều này có nghĩa tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải trải qua sự chuyển đổi mã HS ở cấp 2 số (chuyển đổi Chương);
- “CTH” là việc nguyên liệu không có xuất xứ chuyển đổi từ bất kỳ nhóm nào khác đến một chương, nhóm hoặc phân nhóm của hàng hóa. Điều này có nghĩa tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm phải trải qua sự chuyển đổi mã HS ở cấp 4 số (chuyển đổi Nhóm);
- “CTSH” là việc nguyên liệu không có xuất xứ chuyển đổi từ bất kỳ phân nhóm nào khác đến một chương, nhóm hoặc phân nhóm của hàng hóa. Điều này có nghĩa tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm phải trải qua sự chuyển đổi mã HS ở cấp 6 số (chuyển đổi Phân nhóm);
- “WO” nghĩa là hàng hoá có xuất xứ thuần tuý hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên.
- Quy tắc hàng dệt may là quy tắc được liệt kê tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 10/2019.
Ngoài ra, bãi bỏ Phụ lục III - Tiêu chí chuyển đổi cơ bản đối với sản phẩm dệt may tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 22/2016/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 10/2019.
Thông tư 10/2019/TT-BCT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 05/9/2019.
Châu Thanh