Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Sau khi lắng nghe sự góp ý của Nhân dân và các cơ quan hữu quan, tại Dự thảo lần này (ngày 11/8/2019) Ban soạn thảo thống nhất để lại một phương án duy nhất là người lao động có quyền đơn phương chấm dứt lao động mà không cần có lý do, chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước. Như vậy, khả năng cao Quốc hội sẽ chốt phương án này (người lao động muốn thì nghỉ mà không cần lý do).
Nếu được Quốc hội thông qua, quy định trên sẽ đảm bảo được quyền lợi tối đa cho người lao động, là chất xúc tác cho doanh nghiệp quan tâm hơn đến chế độ lương, phúc lợi của người lao động; từ đó hiệu suất lao động tăng cao, nền kinh tế nước nhà sẽ phát triển bền vững.
Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Người lao động không cần báo trước theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong những trường hợp sau:
a) Người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
b) Người lao động không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn trừ trường hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 99 của Bộ luật này;
c) Người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động.
d) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 171 của Bộ luật này.
3. Người lao động phải báo trước dài hơn thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù theo quy định của Chính phủ.
Hữu Phạm