13/08/2011 08:07 AM

Phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp dự kiến sẽ được Chính phủ phê duyệt vào tuần tới. Nếu vậy, việc điều chỉnh sẽ được áp dụng từ ngày 1.10.

Hôm qua 12.8, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này. 

 

Nhiều ý kiến cho rằng mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng khó đảm bảo mức sống hiện nay - Ảnh: Diệp Đức Minh

Thưa ông, trước khi đưa ra phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu trong các loại hình doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH tính toán, nghiên cứu tác động như thế nào đến người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN)?

Mức lương tối thiểu cao nhất là 2 triệu đồng/tháng

Theo phương án điều chỉnh lương tối thiểu được Bộ LĐ-TB-XH trình Chính phủ, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng, áp dụng cho vùng 1, tăng từ 450.000 đến 650.000 đồng so với mức lương hiện tại đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Tại vùng 2, mức điều chỉnh sẽ là 1,78 triệu đồng/tháng. Riêng vùng 3 và vùng 4 được giữ nguyên so với đề xuất ban đầu là 1,55 triệu đồng và 1, 4 triệu đồng/tháng. (Xem danh mục địa bàn áp dụng theo vùng trên www.thanhnien.com.vn)

H.Bình

Với NLĐ, quan trọng nhất mức lương có đảm bảo cuộc sống hay không. Còn DN, khả năng tăng đầu vào, mức độ tăng như thế nào DN chịu đựng được. Với DN mạnh không quan trọng lắm, lo ngại nhất là DN yếu, ví dụ ngành may mặc, giày da... sử dụng hàng ngàn lao động. Về lý thuyết, Vụ Lao động - Tiền lương tính toán tăng lương tác động đến đầu vào của DN mấy phần trăm. Đầu vào càng tăng, đầu ra không tăng, DN chỉ còn co lại, lợi nhuận giảm hoặc lỗ. Nói chung cả DN trong và ngoài nước đều căng thẳng. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả tăng cao, việc tăng lương cho NLĐ là cần thiết. DN phải chia sẻ khó khăn với người lao động trước áp lực giá tăng. Hơn ai hết, chính người sử dụng lao động phải quan tâm đến NLĐ. Nếu DN không quan tâm, NLĐ có thể rời bỏ DN bất cứ lúc nào.

Nếu phương án được thông qua, cụ thể, NLĐ hưởng lợi gì sau khi tăng lương tối thiểu?

Trong điều kiện bão giá như thế này, dù tăng ít hay nhiều, mức lương tối thiểu nâng lên, tiền lương, đời sống được bảo đảm hơn. Mức tiền đóng bảo hiểm cao hơn, tăng chi phí bảo hiểm xã hội. Bên cạnh tăng lương tối thiểu, Chính phủ tích cực tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát và bình ổn giá.

Được biết, ngoài việc tăng lương tối thiểu áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH còn đệ trình mức tiền ăn giữa ca tối thiểu cho NLĐ?

Trước đây chúng ta quy định cứng, bắt các DN phải có tiền ăn giữa ca, sau đó, ta chuyển cho DN tự quyết định điều này. Tôi cho rằng, quy định tiền ăn giữa ca cho NLĐ hoàn toàn phù hợp. Chỉ có điều, hiện đang có vấn đề thực tế, nhiều DN chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng bữa ăn giữa ca. Nên Chính phủ lần này có đưa vào đề nghị mức sàn cụ thể, ít nhất là phải 15.000 đồng. Cụ thể, mức ăn giữa ca cũng sẽ được chia theo vùng, những vùng giá cả đắt đỏ hơn thì phải cao hơn.

Theo ông, việc tăng lương tối thiểu có ảnh hưởng tới thất nghiệp, mất việc làm hay không?

Mức lương tối thiểu nếu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến việc làm vì tăng lương cũng đồng nghĩa với việc DN tăng thêm gánh nặng. Điều này, bắt buộc các DN phải tính toán và cân nhắc khả năng có tuyển dụng thêm lao động mới hay không. Cơ hội tìm việc làm mới của người lao động cũng sẽ khó hơn trước.

2,4 triệu đồng/tháng mới đảm bảo mức sống tối thiểu

Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) mức sống tối thiểu được cấu thành bởi 3 nhóm yếu tố gồm nhóm lương thực phẩm, nhóm phi lương - thực phẩm và xác định nhu cầu nuôi con. Cụ thể, khảo sát tại Hà Nội (vùng I) cho thấy với khẩu phần ăn đáp ứng được nhu cầu 2.300kilo calo/ngày (gồm gạo tẻ, thịt hoặc trứng, rau, chuối, mỡ, mắm, muối, nước, gas) thì NLĐ phải chi phí tới 35.300 đ/ngày. Chỉ riêng tiền ăn, mỗi tháng NLĐ đã phải chi tối thiểu 1.059.000đ. Với cách tính toán khoa học và thực tế này, kết quả nghiên cứu khẳng định để đáp ứng mức sống tối thiểu cho NLĐ vùng IV là gần 1,5 triệu đồng/người/tháng, vùng III là gần 1,9 triệu đồng/người/tháng, vùng II là khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng và vùng I là hơn 2,42 triệu đồng/người/tháng.

H.Bình

Ý kiến:

Lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu

Căn cứ xác định mức tiền lương tối thiểu là nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế xã hội, mức tiền công trên thị trường lao động. Mức tiền lương tối thiểu này khác nhau theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, những năm qua, việc xác định mức tiền lương tối thiểu của NLĐ chưa căn cứ vào nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ mà chủ yếu là điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu hằng năm căn cứ vào chỉ số giá sinh hoạt (CPI), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP). Vì vậy, hiện nay, lương tối thiểu chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

(Ông Trần Văn Tự - 
Trưởng phòng Cơ chế chính sách (Ban Chính sách - pháp Pháp luật - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam)

Điều chỉnh lương khó thể bù trượt giá

Nếu theo phương án điều chỉnh lương tối thiểu của năm nay, lương tối thiểu khó đảm bảo bù trượt giá . Điều chỉnh tiền lương không thể chỉ bù trượt giá mà phải ngang bằng với giá trị sức lao động của người lao động bỏ ra. Nếu không, tiền lương không thể là động lực cho người lao động làm việc được.

(Ông Đặng Như Lợi -
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Thu Hằng (ghi)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,874

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]